Chưa Tết đã nghẽn...
Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành chỉ thị về chống nghẽn mạng dịp Tết và tăng cường chất lượng mạng di động; các DN cũng đưa ra cam kết về vấn đề này. Tuy nhiên, trong những ngày qua hiện tượng nghẽn mạng và chất lượng cuộc gọi giảm sút đã xảy ra. Một lần nữa, cả Bộ BCVT và các DN cần có ngay biện pháp "nóng" nhằm tránh một đợt "khủng hoảng chất lượng mạng" như đã từng xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán 2006.
Cần phải có ngay một biện pháp "nóng" nhằm tránh một đợt "khủng hoảng chất lượng mạng" như đã từng xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán 2006.
Bệnh cũ tái phát sớm
Ngày 12/2, theo phản ánh của số đông khách hàng, hầu như các cuộc gọi đến các mạng 098 (Viettel), 090 (MobiFone) và 091 (VinaPhone) đều trong tình trạng khó kết nối, kết nối chập chờn hoặc có kết nối nhưng chất lượng đàm thoại không đạt yêu cầu.
Anh Phạm Minh Trường - một khách hàng - cho biết: Để có được một cuộc gọi thành công tới mạng 098, tôi phải mất tới 3 lần thực hiện thao tác gọi. Tuy nhiên, dù sóng đầy song rất khó nghe.
Tương tự, các thuê bao khác phàn nàn khi thực hiện cuộc gọi thì thường được tổng đài báo là máy bận; mạng bận; hướng cuộc gọi gián đoạn hoặc cho là số máy không đúng... tất cả những hiện tượng này thực chất là dấu hiệu của việc nghẽn mạng.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện các mạng cho rằng có hiện tượng nghẽn mạng xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là những trục trặc nhỏ và không nghiêm trọng.
Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc các mạng di động đang tiến hành các biện pháp kỹ thuật để nâng cấp tổng đài, cấu hình các trạm thu phát sóng.
Tuy nhiên có thể nói, dù chưa thật sự lâm vào "khủng hoảng" kết nối, song việc xảy ra nghẽn mạng vào thời điểm này là dấu hiệu bất thường của các mạng di động. Theo các chuyên gia, thông thường thì khoảng 27 - 28 âm lịch trở đi mới thật sự là "cao điểm" và dễ xảy ra nghẽn mạng. Chính vì thế, việc "bệnh cũ tái phát sớm" chính là lời cảnh báo đối với các mạng di động.
Cần thực hiện đúng cam kết
Ngày 5/2, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ra chỉ thị về việc tăng cường chất lượng mạng, chống nghẽn mạng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi; ngoài ra, đồng thời với chỉ thị này, các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tăng cường năng lực phục vụ để tránh không để xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Cụ thể để thực hiện cam kết này, các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trực kỹ thuật 24/24h và có các biện pháp như phục vụ các xe trạm lưu động... Tuy nhiên, dường như tất cả mọi nỗ lực vẫn chưa đủ cũng như chưa thể mang lại niềm tin cho khách hàng khi... chưa Tết đã nghẽn.
Thậm chí, một số khách hàng còn nghi ngờ, những biện pháp các mạng di động đang áp dụng khó có thể giải quyết được "căn bệnh thường niên" này.
Trên số báo Lao Động ra ngày 9.2, các chuyên gia viễn thông đã cảnh báo về khả năng nghẽn liên mạng và nghẽn mạng cục bộ ở một số địa phương nhất định. Những chuyên gia này phân tích: 80% dân số đang sống ở các khu vực nông thôn, khi Tết đến, lưu lượng cuộc gọi ở các khu vực này tăng đột biến, trong khi hạ tầng mạng ở các địa phương lại chưa đủ đáp ứng.
Bên cạnh đó trong quá trình đầu tư, khi thấy một mạng di động đã phát triển ở khu vực này thì mạng đối thủ sẽ đầu tư mạnh ở khu vực khác. Đây là một phần lý do có thể sẽ gây ra việc nghẽn liên mạng.
Chính vì thế, bên cạnh việc khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet và điện thoại cố định vào giờ cao điểm; các chuyên gia cũng cho rằng: Bộ Bưu chính Viễn thông và các doanh nghiệp cần có những biện pháp nóng, đặc biệt là những phương án dự phòng nhằm tránh để xảy ra nghẽn mạng cục bộ và kéo dài.
Đây cũng chính là yêu cầu chính đáng của khách hàng, còn các mạng di động cần thực hiện đúng cam kết.
(Lao Động)