'Đại gia' dầu khí cũng buôn ĐTDĐ
Việc PetroSetco, tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tham gia thị trường phân phối điện thoại di động cho thấy mảnh đất này sẽ không còn là sân chơi của các đại gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT).
Khách hàng lựa chọn điện thoại tại một siêu thị Mobile.
Ảnh: Tuổi Trẻ.
Cuộc hôn ước giữa công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Dầu khí (PetroSetco) và Nokia xuất phát từ nhu cầu của Nokia trong việc khẳng định vị trí số một và bành trướng thị phần sau 10 năm có mặt tại Việt Nam.
Theo ông Trần Mạnh Phương, Giám đốc Kinh doanh Nokia Việt Nam, hơn một năm nay họ đã nỗ lực tìm kiếm đối tác để thực hiện yêu cầu này. “Dự báo 3 - 5 năm tới thị trường điện thoại sẽ có nhiều biến động vì vậy chúng tôi cần một hệ thống phân phối chuyên nghiệp thông qua các đối tác tiềm năng. PetroSetco là ứng viên số một với năng lực về tài chính, đội ngũ nhân sự, mạng lưới kinh doanh và quan trọng là sự hỗ trợ đắc lực của tập đoàn mẹ (tập đoàn Dầu khí Việt Nam-PetroVietnam)”, ông Phương cho biết.
Trong khi đó, PetroSetco cũng tỏ ra hồ hởi không kém. Theo ông Trần Công Tào, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PetroSetco, với tư cách là một tập đoàn hoạt động đa ngành, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp này xây dựng đơn vị phân phối sản phẩm viễn thông (PV Telecom).
Thị trường bán lẻ sẽ thay đổi. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại cuộc gặp mặt 500 đại lý bán lẻ phía Nam mới đây, ông Tào cho biết hiện đã triển khai hoạt động tại tám chi nhánh trên toàn quốc với nỗ lực phát triển mạng lưới phân phối bao phủ cả nông thôn lẫn thành thị. “Bắt tay với Nokia là điểm khởi đầu tốt với PV Telecom. Thương hiệu Nokia là điều kiện thuận lợi cho PV Telecom bước đầu thâm nhập thị trường phân phối sản phẩm viễn thông”, ông Tào nói.
Chuyện không có gì để bàn nếu như PV Telecom không phải là kẻ ngoại đạo trên sân chơi lâu nay vốn chỉ dành cho các nhà phân phối trong lĩnh vực ICT.
Theo ông Huỳnh Văn Thi, cố vấn cao cấp PV Telecom, giải pháp của Nokia là tìm đối tác có thế lực tài chính, có tính bền vững và sẵn sàng chấp nhận đầu tư trước mắt để phát triển lâu dài, chuyện có kinh nghiệm phân phối hay chưa chỉ là yếu tố phụ vì cả hai bên sẽ cùng nhau tổ chức mạng lưới để phục vụ cho nhu cầu thị trường của mình.
Cam kết duy nhất của PetroSetco là "không cưới nhiều vợ trong cùng lĩnh vực với Nokia"! “Thị trường cần nhà phân phối thực sự chứ không phải những nhà buôn bán sản phẩm thông thường, vì thế chúng tôi sẽ phải nỗ lực tạo ra sự khác biệt để tìm kiếm thị phần của người đến sau”, ông Thi cho biết.
Điện thoại Nokia sẽ do cả PetroSetco phân phối.
Ảnh: Nokiaphoneblog.
Chuyện PetroSetco trở thành đối tác của Nokia là do Nokia muốn tìm nhà phân phối có khả năng làm đối trọng với FPT - đối tác đang nắm đến 80% thị phần của Nokia tại Việt Nam. Chính vì thế, ngay khi mới ra đời, PetroSetco đã tập trung đội ngũ gồm những người từng là nhà tư vấn chiến lược cho Nokia tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Trong khi đó, FPT, hãng phân phối điện thoại lớn nhất với hầu hết các tên tuổi hàng đầu như Nokia, Motorola, Samsung, Vertu, tỏ ra lo ngại về sự cạnh tranh này.
Doanh thu từ mảng điện thoại di động chiếm khoảng một nửa trong tổng doanh thu phân phối năm 2006 của FPT là 539 USD (cao hơn doanh thu của cả tập đoàn năm 2005 là 517 USD). Thị phần này được FPT xem như tới ngưỡng, vì năm 2006 mức tăng đã đạt đến 50%. Họ lo ngại cũng phải vì trên sân chơi này họ phải đối mặt với các tên tuổi như Viettel và PetroSetco.
Viettel dẫu không mạnh về sản phẩm nhưng nắm lợi thế về dịch vụ trọn gói từ cung cấp dịch vụ mạng đến bán lẻ điện thoại, còn PetroSetco lại là đối thủ đáng gờm về tiềm năng tài chính. Một đại diện FPT thừa nhận “PetroSetco được Nokia hỗ trợ trực tiếp và có tài chính rất mạnh do là “con đẻ” của PetroVietnam. Nguy cơ bị thu hẹp thị phần và lợi nhuận là thực tế”!
Rộn ràng di động
Viettel cũng là một công ty bán lẻ thiết bị đầu cuối.
Ảnh: Hoàng Hà.
Chưa biết PVTelecom có thành công trong lĩnh vực mới này hay không nhưng trước khi họ nhảy vào thì thị trường đã được dự báo sẽ cạnh tranh ở mức cao hơn giữa các nhà cung cấp, phân phối lẫn bán lẻ.
Doanh số thị trường bán lẻ điện thoại di động Việt Nam năm 2006 xấp xỉ 900 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2005. Lĩnh vực này cũng được xem là nóng nhất với khoảng 30 triệu thuê bao sẽ đạt được vào cuối năm nay. Thị trường vì thế được xem đã đủ độ lớn để kích thích nhiều công ty có tiềm lực vào cuộc.
Trong điều kiện đó, chắc chắn các nhà sản xuất không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ như Nokia từng bị tụt giảm thị phần sau khi nhà phân phối Đông Nam Associates bị sụp đổ vào năm 2002.
Thị trường phân phối điện thoại thực tế đang chia nhiều ngả. Nếu FPT gắn liền với các thương hiệu điện thoại lớn tại Việt Nam thì các công ty nhỏ hơn cũng chiếm lĩnh được những thị phần nhất định. P&T với Sony Ericsson, An Bình với Dopod, BenQ-Siemens, Rồng Thái Bình Dương với O2, Thành Công Mobile với Panasonic, Innostream, Pantech…
HT Mobile có hệ thống phân phối sản phẩm đặc thù.
Ảnh: Hoàng Hà.
Trong khi đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng CDMA (S-Fone, HT Mobile và EVN Telecom) đều có hệ thống phân phối sản phẩm đặc thù tương tự như mô hình vừa bán sỉ vừa bán lẻ; Viettel cũng gắn hệ thống bán lẻ với cung cấp dịch vụ để tạo ra lợi thế của mình… Bên cạnh đó là chuỗi các cửa hàng bán lẻ rất năng động và hiện đại của Thế giới di động, Viễn Thông A, Thành Công Mobile, Nettra…
Thị trường điện thoại di động sẽ không còn là sân chơi riêng của bất cứ nhà phân phối nào khi mà các nhà khai thác mạng đều tham gia vào thị trường cung cấp sản phẩm. Trong khi các đại gia cũng nhắm đến mô hình phân phối chuyên nghiệp, kể cả mô hình bán lẻ, các công ty bán lẻ cũng tạo cho mình những mô hình chuyên nghiệp với những lợi thế riêng. Tất cả cùng chia sẻ thị phần trong một chiếc bánh đang ngày một lớn thêm.
Nhiều nhà phân phối điện thoại cũng có nghĩa là người dùng có nhiều lựa chọn về giá và chế độ hậu mãi. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo các chuyên gia, sẽ còn nhiều tay chơi tham gia thị trường này trước khi các công ty nước ngoài có thể tham gia phân phối trực tiếp vào năm 2009. Chính vì thế, lĩnh vực này dù đang sôi nổi cũng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của việc cạnh tranh để tiến đến các mô hình chuyên nghiệp hơn.
Theo ông Huỳnh Văn Thi, việc tham gia thị trường phân phối không chỉ đơn thuần là nhắm đến mảng điện thoại di động mà còn tạo ra một xa lộ, một kênh phân phối trong thị trường công nghệ thông tin cho bất cứ công ty nào có đủ năng lực.
Trong điều kiện cạnh tranh mới, không chỉ Nokia mà nhà sản xuất nào cũng sẽ nhắm đến những đối trọng cho mình khi họ đã đủ lớn mạnh để tạo thế chân vạc trong kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)