VNPT lập chi nhánh tại Mỹ: Mở rộng thị trường tiềm năng
Được coi là hiện tượng tiên phong của làng viễn thông Việt Nam hội nhập WTO, sự kiện Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT trực tiếp mở chi nhánh ở Hoa Kỳ đã mở ra hướng kinh doanh, cơ hội, và thời cơ làm ăn mới cho hàng loạt các doanh nghiệp VT tại đây...
"Mang chuông đi đánh xứ người"
Phó Tổng giám đốc VNPT Lâm Hoàng Vinh làm việc với công ty Merryll Lynch tại San Jose (California) vào ngày 30/4/2007
Phó Tổng giám đốc VNPT Lâm Hoàng Vinh làm việc với công ty Merryll Lynch tại San Jose (California) vào ngày 30/4/2007. ảnh: P.Long
Thị trường viễn thông Hoa Kỳ có quy mô lớn nhất thế giới với mức độ tự do hoá cao do tiềm lực kinh tế hùng mạnh và chính sách kinh tế toàn cầu của nước này mang lại. Đến năm 2006, tổng máy điện thoại của Hoa Kỳ lên đến 282 triệu máy, gồm 170 triệu thuê bao di động và 112 triệu thuê bao cố định.
Nhận định từ phía chuyên gia viễn thông của Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT cho hay, Hoa Kỳ cũng là nơi khởi xướng các xu thế phát triển của ngành viễn thông thế giới như: mua bán và hợp nhất công ty, phát triển các công nghệ mới, phát kiến các kỹ năng quản lý mới. Do vậy, rất cần thiết lập sự hiện diện thương mại tại thị trường Hoa Kỳ, qua Chi nhánh viễn thông, nhằm mục đích cập nhật kịp thời những thông tin công nghệ - kinh doanh mang tính chiến lược phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế thời WTO.
Trước khi thành lập chi nhánh tại đây, VNPT đã có quan hệ hợp tác khai thác dịch vụ viễn thông quốc tế với sáu đối tác Hoa Kỳ gồm bốn đối tác khai thác dịch vụ điện thoại quốc tế IDD truyền thống là: MCI, Verizon, AT&T, Sprint; hai đối tác khai thác dịch vụ VoIP là: VITC và Net Global. Lưu lượng viễn thông quốc tế từ Hoa Kỳ đã và đang chiếm tỷ lệ lớn trong các hướng viễn thông quốc tế kết cuối tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc hợp tác trong lĩnh vực Internet và truyền thông với các đối tác Hoa Kỳ cũng đang được Tập đoàn đẩy mạnh với các đối tác lớn của Hoa Kỳ như: Time Warner, Teleglobe, Fusion, GRIC, Ipass, Voice2me...
Các công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Hoa Kỳ như Motorola, Lucent Technologies, Comverse, Lockheed Martin, Huges Networks, Champion, Cisco System, Corning...là đối tác thường xuyên trên thị trường viễn thông VN hiện nay. "Sự hiện diện thương mại của Tập đoàn tại Hoa Kỳ sẽ là một lợi điểm thắt chặt quan hệ hợp tác với các công ty nói trên, đặc biệt là việc tiếp cận kịp thời thông tin về công nghệ mới, cập nhật thông tin về hoạt động nghiên cứu - phát triển của các nhà sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới có trụ sở đóng tại Hoa Kỳ để phục vụ định hướng hợp tác và phát triển của khối công ty liên doanh và cổ phần sản xuất thiết bị viễn thông" - một lãnh đạo của VNPT tiết lộ với VietNamNet.
Bên cạnh đó, việc đại diện thương mại của Tập đoàn tại Hoa Kỳ chủ động tiếp xúc với những đối tác nói trên theo cơ chế "kéo" sẽ mở ra nhiều quan hệ hợp tác song phương cho Tập đoàn và các đơn vị.
Bởi lẽ, rất nhiều đối tác khác tại Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực BCVT-CNTT có thế mạnh về vốn, công nghệ, trình độ quản lý nhưng chưa thực sự quan tâm đến việc hợp tác kinh doanh tại thị trường Việt Nam do họ không có đủ thông tin thị trường về VN nói chung và VNPT nói riêng.
Nhu cầu kinh doanh của VNPT tại Hoa Kỳ
Thị trường viễn thông - truyền thông Hoa Kỳ có quy mô lớn và rất tiềm năng đối với Tập đoàn trên cả khía cạnh thị trường dịch vụ bán buôn và bán lẻ. Hoa Kỳ là trung tâm bán buôn lưu lượng viễn thông quốc tế lớn nhất thế giới.
Các nhà khai thác viễn thông lớn của Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực bán buôn lưu lượng đều có mạng lưới rộng khắp với các kênh liên lạc trực tiếp được thiết lập đến hầu hết các nước trên thế giới. Với chất lượng cao và giá thành hợp lý, các nhà khai thác viễn thông Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh cao để thu gom lưu lượng từ khắp nơi trên thế giới để đổ về Hoa Kỳ trước khi được tái định tuyến đi khắp nơi trên thế giới.
Với vai trò này, thị trường VT Mỹ được coi là trung tâm trung chuyển các cuộc gọi quốc tế. Hầu như tất cả các công ty viễn thông hàng đầu thế giới đều có công ty con hoặc chi nhánh tại đây. Mặt khác, cộng đồng Việt kiều đông đảo tại Mỹ cũng là thị trường đầy tiềm năng cho VNPT trong việc cung cấp dịch vụ bán lẻ (thẻ trả trước, chuyển tiền nhanh..).
Theo số liệu ước tính của AT&T (Mỹ), nhu cầu liên lạc điện thoại về Việt Nam của khối Việt kiều tại Hoa Kỳ đạt khoảng 25 triệu phút/tháng. Thêm vào đó, số người Việt Nam sang Hoa Kỳ để du học và công tác ngày càng tăng đã đóng góp khá nhiều vào việc gia tăng lưu lượng viễn thông và Internet quốc tế giữa hai nước.
VNPT hy vọng khi vào Mỹ sẽ lập một công ty đại diện để thu được cước quá giang, sẽ hút các cuộc gọi quốc tế về VN. Bản thân khách hàng, do giá cước rẻ, sẽ sử dụng dịch vụ này, chẳng hạn thay vì gọi trực tiếp từ Pháp về VN, sẽ gọi từ Pháp, qua Mỹ về VN. Vì vậy, đây là thị trường đầy tiềm năng đối với VNPT.
Thị trường bán lẻ dịch vụ viễn thông và Internet tại Hoa Kỳ cũng rất tiềm năng đối với Tập đoàn. Người Việt Nam tại Hoa Kỳ là cộng đồng Việt kiều lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 2 triệu người, nhu cầu thông tin giữa Việt kiều Hoa Kỳ với người thân tại Việt Nam được đánh giá là khá lớn và tiềm năng.
Thống kê từ VN cho thấy rằng, trước năm 2001, khi dịch vụ viễn thông quốc tế chỉ có dịch vụ IDD và chưa có cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường viễn thông Việt Nam thì ba hãng AT&T, MCI, Sprint đã đóng góp hơn 50% trong tổng mức lưu lượng điện thoại quốc tế chiều đến của Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, ngoài Tập đoàn còn có nhiều doanh nghiệp mới như Hanoi Telecom, Viettel, SPT.. hợp tác kinh doanh với các đối tác Hoa Kỳ trong lĩnh vực viễn thông quốc tế.
Mặt khác, việc trực tiếp tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông và IP của Tập đoàn tại Hoa Kỳ là rất cần thiết và mang tính chiến lược để tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới, với các nhà đầu tư, tiến tới thiết lập mạng lưới viễn thông và Internet để trực tiếp khai thác, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngay tại thị trường Hoa Kỳ.
Tiếp cận của công ty con
Ngoài việc khuyếch trương thương hiệu tại Mỹ, theo tính toán của các chuyên gia, chi nhánh VNPT có thể tạo dựng quan hệ và ký kết hợp đồng với ít nhất từ 7 đến 10 đối tác mới tại Hoa Kỳ trong một năm. Trước hết, đây sẽ là cầu nối cho các công ty sản xuất thiết bị trong Tập đoàn tiếp cận với công nghệ nguồn của các công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ tại thung lũng Silicon.
Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ một công ty sản xuất thiết bị như Nhà máy Thiết bị Bưu điện Postef; công ty Cổ phần công nghệ viễn thông Viteco hợp tác thành lập trung tâm R&D tại California/Massachuset. Hỗ trợ một số dự án tiềm năng của Tập đoàn có thể triển khai tại Hoa Kỳ như: niêm yết cổ phiếu của công ty Thông tin di động VMS-MobiFone; công ty VinaPhone tại thị trường chứng khoán New York/Nasdaq, mang lại giá trị phát hành cao nhất.
Hàng loạt các dự án VT khác sẽ được triển khai tại đây như: khai thác hiệu quả các tuyến cáp biển cập bờ Hoa Kỳ mà Tập đoàn tham gia vốn đầu tư (China - US..), dự án phóng vệ tinh Vinasat, dự án hợp tác xây dựng trung tâm R&D, dự án phát hành thẻ IN tích hợp dịch vụ ngân hàng và viễn thông...Đặc biệt, các đối tác Hoa Kỳ có tiềm năng về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để giới thiệu cho các đơn vị thành viên - các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông như công ty Viễn thông quốc tế VTI, công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, VinaPhone, VMS-MobiFone...
Vì vậy, với tầm quan trọng này, Chi nhánh VNPT tại Hoa Kỳ, dự kiến sẽ kết thúc hoạt động sau khi Công ty con của Tập đoàn tại Hoa Kỳ được thành lập, các chức năng - nhiệm vụ của Chi nhánh sẽ được chuyển sang cho Công ty con.
VNN