Nikon D700 - máy ảnh full-frame xuất sắc
Sau
D3, Nikon tiếp tục dấn sâu hơn vào cuộc chơi máy ảnh cảm biến full-frame bằng D700, model ngang tầm với
Canon EOS 5D và
5D Mark II. Chiếc máy này nhỏ hơn, nhẹ hơn và rẻ hơn D3 nhưng được giới chuyên nghiệp đánh giá rất cao.
D700 là mẫu DSLR thứ hai của Nikon được trang bị cảm biến full-frame.
Ảnh:
Nikonusa.
Nikon D700 mang đến cho người dùng hai sự lựa chọn: mua riêng thân máy và mua bộ kit bao gồm thân máy và ống kính AF-S VR 24-120mm F3.5-5.6G IF-ED. Trên thị trường hiện nay, ống kính này có giá khoảng 500 USD, nhưng nếu mua dưới dạng ống kit của Nikon D700, giá của nó sẽ chỉ dao động từ 300 đến 400 USD.
So với những dòng máy chuyên như Nikon D3 hay Canon EOS 1D series, D700 nhẹ hơn nhiều, với cân nặng chỉ 995 gram, trong khi những model kia đều nặng không dưới 1,2 kg. Mặc dù vậy, nếu so với những model cùng tầm, cũng được trang bị cảm biến full-frame như
Sony Alpha DSLR-A900 (850 gram) hay Canon EOS 5D series (khoảng 810 gram), thì Nikon D700 lại nặng hơn.
D700 sở hữu thiết kế truyền thống của Nikon. Ảnh:
Nikonusa.
Vỏ máy làm từ hợp kim magie giúp D700 cứng cáp và trông "đẳng cấp" hơn
D300, nhưng không thể bằng được D3 về khả năng chống bụi và sự khắc nghiệt của thời tiết. Tuy nhiên, thiết kế thân máy của D700 có nhiều điểm giống với D300 hơn D3, do vậy cũng mang nhiều "chất" Nikon hơn.
Các phím điều khiển của chiếc máy này được bố trí cả ở mặt trước, mặt sau và trên đỉnh. Ở cạnh trên, bên trái là ba phím chỉnh chất lượng (quality), cân bằng trắng (white balance) và độ nhạy sáng (ISO), được đặt trên một bánh xe dùng để lựa chọn các chế độ drive modes, Live View, hẹn giờ và khóa gương phản chiếu. Cách thiết kế này khiến việc lựa chọn chế độ ngắm qua màn hình (Live View) trở nên rườm rà hơn so với cách mà nhiều nhà sản xuất khác vẫn thường làm là thiết kế riêng cho tính năng này một phím bấm chuyên dụng.
Cũng ở cạnh trên, nhưng phía bên tay phải là nơi bố trí phím chụp, được bao quanh bởi một công tắc dùng để bật/tắt máy. Cùng với đó là những phím bấm dùng để chỉnh độ bù trừ sáng và lựa chọn các chế độ phơi sáng (P/A/S/M). Giống như truyền thống, Nikon trang bị cho D700 một màn hình LCD nhỏ ở cạnh trên để hiển thị các thông tin trạng thái.
Ở cạnh trên, Nikon bố trí cho D700 một màn hình nhỏ để hiển thị thông tin trạng thái. Ảnh:
Dpreview.
Ở mặt trước, bên trái, Nikon trang bị cho D700 một cần gạt để lựa chọn chế độ lấy nét cùng các phím bấm dùng để bật đèn flash, bù sáng và các cổng để kết nối với điều khiển từ xa và cáp đồng bộ flash. Ở bên phải, giữa phần tay cầm (grip) và ống kính có một phím chức năng giúp người dùng truy xuất nhanh tới các menu được chỉ định từ trước. Ngay phía trên phím đó, cũng nằm giữa ống kính và grip là một phím dùng để xem trước độ sâu trường ảnh.
Một trong những điểm rất được người dùng ưa chuộng ở D700 cũng như những model trung và cao cấp của Nikon là nó có các công tắc để lựa chọn chế độ đo sáng (1.5 percent spot, center-weighted, evaluative) và khu vực lấy nét tự động (single point, dynamic area, auto area), mang lại sự thuận tiện lớn cho người dùng. Ngoài ra, ở mặt sau của máy còn có các phím kích hoạt AF, khóa AF/AE, playback, delete, info, menu và những phím bấm cơ bản khác.
Nikon D700 được trang bị rất nhiều phím bấm, bánh xe và công tắc để điều chỉnh. Ảnh:
Dpreview.
So với Canon EOS 5D Mark II, Nikon D700 có vẻ bị lép vế khi chỉ được trang bị cảm biến có độ phân giải 12 Megapixel (so với 21 Megapixel của đối thủ) và không có tính năng quay video. Tuy nhiên, những tính năng cao cấp mà chiếc máy này sở hữu cũng là quá đủ cho bất cứ tay máy chuyên nào. Giống như những mẫu DSLR khác của Nikon, D700 đặc biệt lý tưởng với những ai muốn chụp được những bức ảnh có dải màu tương phản rộng.
Tính năng mang tên Picture Controls của Nikon D700 cho phép người dùng điều chỉnh rồi lưu lại thông số về độ tương phản, độ sáng, độ nét và độ trung hòa màu sắc. Ngoài ra, chiếc máy này cũng sở hữu những công nghệ đặc trưng của Nikon như Active D-Lighting hay Vignette control. Giống như D3, D700 cũng được trang bị một chế độ cắt cúp mang tên DX crop mode để sử dụng với ống kính DX.
Tốc độ hoạt động của D700 chỉ thua kém D3 chút ít. Ảnh:
Dpreview.
Tốc độ hoạt động của Nikon D700 rất nhanh, chỉ thua kém chút ít so với model đời cao D3.
Từ khi bật máy lên cho tới khi chụp xong bức ảnh đầu tiên, máy chỉ mất chưa đến 0,2 giây. Trung bình mỗi bức ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng lý tưởng, tính cả thời gian lấy nét cũng chỉ mất 0,3 giây, nếu thiếu sáng thì mất 0,6 giây, nhanh vào loại bậc nhất hiện nay. Nếu bấm máy hai lần liên tiếp, ngay cả khi bật đèn flash, máy cũng chỉ mất khoảng 0,5 giây để chụp xong hai bức ảnh.
Tốc độ chụp liên tiếp của D700 là 4,9 khung hình/giây, có thể tăng lên mức 8 khung hình/giây nếu người dùng lắp thêm báng MB-D10.
Chất lượng ảnh chụp bởi D700 đã không phụ sự kỳ vọng của những người yêu mến thương hiệu Nikon.
Với một ống kính khá tốt, những bức ảnh chụp bởi chiếc máy này có độ sắc nét cao, phơi sáng chuẩn và dải màu rất rộng. Màu sắc của các chi tiết phải nói là không chê vào đâu được, dẫu cho dưới ánh sáng vàng của đèn volfram, khả năng cân bằng trắng tự động của máy bị ảnh hưởng đôi chút. Khả năng kiểm soát nhiễu cũng là một điểm mạnh của D700, khi những bức ảnh chụp ở ISO 6.400 có chất lượng khá cao. Thậm chí, ngay cả ở mức ISO 12.800, người chụp kinh nghiệm vẫn có thể có được những bức ảnh đẹp.
Có thể nói, điểm duy nhất gây bất lợi cho Nikon D700 trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ chính là ở độ phân giải chỉ 12 Megapixel của cảm biến. Điều đó khiến người dùng bị hạn chế trong việc in ảnh to như để làm băng rôn, poster quảng cáo.
Ưu điểm:
- Chất lượng ảnh rất cao, ngay cả ở mức ISO lên tới 6.400
- Tốc độ lấy nét và chụp nhanh, ngay cả trong điều kiện thiếu sáng
- Thiết kế và cách bố trí các phím bấm mang lại sự an tâm và thuận tiện lớn cho người dùng
Nhược điểm:
- Nặng hơn so với những đối thủ cùng tầm
- Độ phân giải thấp
- Cân bằng trắng tự động đôi khi gặp vấn đề trong điều kiện ánh sáng vàng của đèn volfram
(theo SoHoa)