Internet không dây: cuộc cạnh tranh khốc liệt
Năm 2003 là năm đánh dấu sự cất cánh của Internet không dây, đến nay, tại Việt Nam, bạn đã có thể truy cập Internet không dây tại nhà, trên công sở hoặc bất cứ nơi nào trong thành phố. Công nghệ không dây không chỉ còn là Wi-Fi mà phát triển mạnh mẽ với Wigig, wimax, công nghệ 3G, những thiết bị công nghệ này khiến "thế giới luôn ở bên cạnh bạn" và bạn có thể làm mọi việc ở mọi nơi và mọi lúc.
Wifi: Ngày càng phổ biến
Tại Việt Nam, wifi không còn là khái niệm xa lạ hay phức tạp và cao siêu như trước đây nữa. Khi tiến hành xây dựng hotspot, người dùng cần phải có một tài khoản (account) ADSL (Internet băng thông rộng, tốc độ tối đa tại Việt Nam hiện nay là 2 Mbps) hiện do khá nhiều ISP cung cấp như: VDC, FPT, Viettel... với nhiều gói cước để người dùng có thể có lựa chọn tối ưu nhất.
Tiếp đó, người dùng phải sắm “trái tim” của hotspot là một bộ thu phát tín hiệu (Access Point- AP). Gắn thiết bị này sau router ADSL sau đó phát “sóng” đến các thiết bị đầu cuối có hỗ trợ Wi-Fi mà cụ thể là máy tính xách tay, PDA hoặc điện thoại di động... Access Point có nhiều loại khác nhau, nhưng đa phần chúng được thiết kế khá gọn gàng, với kích thước khoảng 2 bàn tay, được gắn sẵn 1 hoặc 2 ăng-ten.
WiGig: Chuẩn kết nối Internet không dây tốc độ cao
WiGig (wireless gigabit) vừa được công bố, hứa hẹn sẽ mang đến một chuẩn kết nối Internet không dây mới có tốc độ tăng gấp 10 lần chuẩn wifi. Với tiêu chuẩn công nghệ không dây mới mẻ này, người dùng ắt hẳn sẽ chờ đợi thời điểm mà chuẩn kết nối không dây thật sự tạo ra một cuộc cách mạng bùng nổ. WiGig là chuẩn công nghệ không dây mới, các thiết bị kết nối với nhau một cách liền mạch với hiệu suất cao.
WiGig (wireless gigabit) hứa hẹn sẽ mang đến một chuẩn kết nối Internet không dây mới có tốc độ tăng gấp 10 lần chuẩn wifi.
Mục đích của WiGig hướng đến là các sản phẩm điện tử tiêu dùng, thiết bị cầm tay và máy tính của các hệ thống máy chủ công ty, hay thậm chí là cả trong các gia đình. WiGig được phát triển bởi Wireless Gigabit Alliance (liên minh Wireless Gigabit - WGA) bao gồm các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp máy tính hiện nay như Intel, Dell, Panasonic, Microsoft, Broadcom, Cisco, Atheros Communications... và nhiều hãng khác.
Tốc độ mà WiGig mang lại nhanh gấp 10 lần chuẩn wifi 802.11 hiện nay, cho phép truyền tải một nội dung HD chỉ mất khoảng 45 giây, trong khi đó wifi mất đến 45 phút. Các sản phẩm sử dụng chuẩn mới này sẽ được dự kiến lên kệ ngay trong năm 2010.
WiGig hứa hẹn sẽ giúp cắt giảm các số lượng dây kết nối trong một hệ thống mạng, tạo không gian làm việc thông thoáng và đơn giản hơn. WiGig sẽ là kết nối mở đường cho việc giới thiệu các sản phẩm không dây với hiệu suất làm việc cao như: máy tính, điện thoại di động, TV, đầu đọc blu-ray, máy ảnh kỹ thuật số và nhiều hơn nữa. Đó chính là tuyên bố mà tiến sĩ Ali Sadri, chủ tịch WGA cho biết.
Bên cạnh WiGig hoạt động trên băng tần 60 GHz, một số chuẩn khác cũng được phát triển, trong đó tiêu biểu có chuẩn WirelessHD được sự phát triển bởi WirelessHD Consortium, bao gồm cả những tập đoàn tham gia phát triển WiGig như Intel, Panasonic, Samsung và Sony.
Giống như WiGig, WirelessHD cũng có khả năng chuyển tín hiệu âm thanh và video, cũng như truyền dữ liệu giữa các máy tính. Tốc độ mà chuẩn này hỗ trợ truyền tải có thể lên đến 10 Gbps với khoảng cách tối đa là 10 mét, trong khi WiGig chỉ là 7 Gbps với khoảng cách hỗ trợ ngắn hơn, chỉ cỡ một phòng khách trung bình.
Theo hãng nghiên cứu thị trường ABI Research thì trong khi WiGig có thể trở thành chuẩn truyền dữ liệu giữa các máy tính, thì WirelessHD lại tập trung trong việc kết nối không dây giữa các TV, các đầu chơi đĩa, các thiết bị rạp hát tại gia... Nhưng cho dù như thế nào đi nữa, với 2 chuẩn kết nối mới này, người dùng trong tương lai chắc chắn sẽ hưởng lợi trong việc nhận những dữ liệu nặng ký hàng GB từ Internet với thời gian tính bằng giây.
WiMAX: Truyền dẫn không dây khoảng cách lớn
WiMAX (viết tắt của Worldwide Interoperability for Microwave Access) là tiêu chuẩn IEEE 802.16 cho việc kết nối Internet băng thông rộng không dây ở khoảng cách lớn. Theo Ray Owen, giám đốc sản phẩm WiMax tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn Motorola: WiMax hoàn toàn không phải là phiên bản nâng cấp của Wi-Fi có tiêu chuẩn IEEE 802.11, WiMax và Wi-Fi tuy gần gũi nhưng là 2 sản phẩm khác nhau và cũng không phải phát triển từ WiBro (4G), hay 3G.
Điện thoại 3G và USB 3G: Ai lướt net đỉnh hơn?
WiMAX là kỹ thuật viễn thông cung cấp việc truyền dẫn không dây ở khoảng cách lớn bằng nhiều cách khác nhau, từ kiểu kết nối điểm - điểm cho tới kiểu truy nhập tế bào. Dựa trên các tiêu chuẩn IEEE 802.16, còn được gọi là WirelessMAN. WiMAX cho phép người dùng có thể duyệt Internet trên máy laptop mà không cần kết nối vật lý bằng cổng Ethernet tới router hoặc switch.
Tên WiMAX do WiMAX Forum tạo ra, bắt đầu từ tháng 6/2001 đề xướng việc xây dựng một tiêu chuẩn cho phép kết nối giữa các hệ thống khác nhau. Diễn đàn này cũng miêu tả WiMAX là "tiêu chuẩn dựa trên kỹ thuật cho phép truyền dữ liệu không dây băng thông rộng giống như với cáp và DSL".
3G: Cuộc chiến giữa USB và ĐTDĐ
3G là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “third generation technology” (công nghệ thế hệ thứ 3). Từ trước đến nay ở Việt Nam đã triển khai dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 2, gọi là 2G. Trên thực tế, từ lâu chúng ta đã làm quen với 2G thông qua việc sử dụng các dịch vụ điện thoai di động như: SMS (tin nhắn), tải nhạc chuông, hình ảnh tĩnh và cả các video clip, nhưng chất lượng không tốt.
Tuy nhiên, khi chuyển sang dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3, gọi là 3G, thì hệ thống dịch vụ thông tin sẽ được truyền tải trên băng thông rộng. Vì vậy, ngoài những dịch vụ giống thế hệ 2G, thì trên nền tảng truyền tải dữ liệu tốc độ cao, chuẩn 3G cho phép truyền không dây dữ liệu thoại và phi thoại (gửi thư điện tử, hình ảnh, video...); thêm vào đó, nhà cung cấp còn có thể phát triển ứng dụng cho các dịch vụ khác như: thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí, truy nhập internet di động, tải dữ liệu từ các mạng xã hội…, với độ xác thực, tin cậy cao. Đối với người sử dụng điện thoại di động thông thường, dịch vụ nổi bật dễ nhận thấy của 3G là sử dụng điện thoại video, cho phép những người đàm thoại có thể nhìn thấy nhau.
Công nghệ 3G đã được đã được triển khai và ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất lại là Mobile Internet (truy cập internet di động), Live TV (xem truyền hình trực tiếp trên điện thoại di động), VOD/MOD (xem phim/nghe nhạc theo yêu cầu). Hiện nay, phần lớn người Việt Nam vẫn đang sử dụng điện thoai di động không có hỗ trợ công nghệ 3G.
Để tiếp cận được với dịch vụ 3G, ngoài việc đăng ký, các thuê bao cũng phải sở hữu điện thoại thuộc dòng I-Phone, hoặc các loại điện thoại di động GSM hỗ trợ 3G như: Nokia N Seri, Sony Ericsson: W880i W950i W850i..; Samsung; HTC TyTN… Nhìn chung, những loại điện thoại có thể tiếp cận được dịch vụ 3G hiện đang được bán với giá khá cao tại thị trường Việt Nam.
Vì thế, sự xuất hiện của USB 3G với giá cả phải chăng đã cạnh tranh trực tiếp với các ĐTDĐ 3G trong cuộc đua truy cập internet. Với đặc điểm nhỏ gọn, vùng phủ song rộng USB 3G thực sự là đối thủ cạnh tranh đáng gờm so với các thiết bị và phương thức truy cập khác.
Cuộc cạnh tranh USB nhà mạng với các thiết bị trôi nổi trên thị trường cũng khiến người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đặc biệt Dcom 3G của nhà mạng Viettel đã cạnh tranh về giá với các USB 3G chỉ 680.000đ cùng chế độ bảo hành 12 tháng, chi phí sử dụng chỉ từ 30.000đ/ 1tháng đã buộc thị trường phải đưa ra mức giá thích hợp hơn.
Với cơ sở hạ tầng gồm 13.000 trạm BTS 3G, hiện tại đang có gần 10.000 trạm BTS, Viettel đã phủ sóng 3G tới tất cả các trung tâm huyện và một số xã lân cận. Dự tính đến cuối năm nhà mạng quân đội sẽ có hơn 22.000 trạm 3G, đạt vùng phủ sóng như 2G. Viettel cũng cam kết cung cấp dịch vụ với tốc độ tối thiểu từ 1- 2 Mbps cho toàn quốc. Đây là tốc độ truy cập cao nhất ở Việt Nam hiện nay đối với công nghệ băng rộng không dây cũng như ADSL - đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí như chơi game online, xem phim hay nghe nhạc của giới trẻ.
Theo VietnamNet