Thế giới soi “tứ trụ” của CNTT-TT Việt Nam
Mặc dù vị thế kinh tế còn kém, thu nhập thấp nhưng CNTT-TT Việt Nam được thế giới đánh giá không tồi, đặc biệt là về gia công phần mềm, phát triển viễn thông.
Ngành CNTT-TT Việt Nam được thế giới đánh giá có nhiều tiến bộ, đứng đầu trong các nước có thu nhập thấp nhưng còn nhiều việc cần làm nếu muốn tiến vào top 50 quốc gia.
Tại hội thảo về chính phủ điện tử diễn ra vào ngày 15-16/7 tại TP.HCM, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT đã công bố báo cáo tổng kết lại từ những đánh giá của các tổ chức quốc tế với ngành CNTT-TT Việt Nam từ cuối năm 2009 đến nay.
Theo báo cáo của ông Tùng, thứ hạng của CNTT-TT Việt Nam đã được thế giới đánh giá có những cải thiện rõ rệt, đứng đầu các nước có thu nhập thấp. Ví dụ như ở chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 5/2010, Việt Nam đã tăng 16 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 54 trong số 159 quốc gia.
Chỉ số phát triển CNTT-TT (IDI) – do Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) công bố vào tháng 2/1010 - của Việt Nam trong năm 2010 cũng tăng 7 bậc so với năm ngoái, leo lên vị trí 86/159 quốc gia (so với năm 2009 là 93/159 quốc gia). Theo báo cáo xếp hạng các nền kinh tế số (DER) hàng năm của Tổ chức tình báo kinh tế (EIU) và tập đoàn IBM công bố tháng 6/2010, Việt Nam cũng tăng 2 bậc, đứng thứ 62/70 quốc gia được xếp hạng.
Trong số các chỉ số đánh giá của quốc tế về CNTT-TT, chỉ duy nhất một báo cáo về vi phạm bản quyền phần mềm (do Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA và hãng IDC công bố tháng 5/2010) cho rằng tỷ lệ vi phạm ở Việt Nam không giảm ở mức 85% sau 3 năm liên tiếp. Tuy không giảm tỷ lệ vi phạm, nhưng theo báo cáo này, Việt Nam cũng có thể tự an ủi là đã thoát ra khỏi top 10 quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất.
Xét cụ thể trong “tứ trụ” của ngành CNTT-TT: ứng dụng, công nghiệp và dịch vụ, nguồn nhân lực, và viễn thông – Internet, các báo cáo quốc tế về CNTT-TT ghi nhận Việt Nam có nhiều cải thiện, nhất là ở lĩnh vực phát triển viễn thông, Internet, gia công phần mềm và dịch vụ. Mặc dù có nhiều cải thiện nhưng theo ông Tùng, nếu đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 thế giới trong lĩnh vực CNTT-TT thì còn nhiều việc phải làm.
Ứng dụng CNTT-TT: khối chính phủ thụt lùi
Xét riêng ở lĩnh vực ứng dụng CNTT-TT, vị trí của Việt Nam đứng ở tốp giữa trong so sánh với các nước. Trong đó, ứng dụng CNTT-TT trong khối chính phủ của Việt Nam được đánh giá cao về chính sách và định hướng nhưng mức độ triển khai cụ thể lại thụt lùi. Ứng dụng CNTT-TT của người dùng và doanh nghiệp có tốt hơn, tuy nhiên chỉ số giá cả chi cho CNTT-TT tính trên thu nhập lại suy giảm.
Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) của WEF, mức độ sử dụng CNTT của đối tượng người dùng cá nhân và doanh nghiệp của Việt Nam trong năm qua đã cải thiện mạnh, tăng vài chục bậc trong so sánh với các nước. Tuy nhiên, mức độ sử dụng CNTT-TT trong khối cơ quan chính phủ lại thụt giảm 20 bậc, từ vị trí thứ 48 trong năm 2009 lên 68 trong năm 2010.
Sự thụt lùi trong ứng dụng CNTT-TT trong khối chính phủ của Việt Nam cũng được thể hiện trong báo cáo về Chỉ số sẵn sàng chính phủ điện tử của đại học Waseda, Mỹ công bố 1/2010. theo báo cáo này, mức độ sẵn sàng chính phủ điện tử của Việt Nam đã giảm 3 bậc, từ vị trí 31 của năm ngoái lên vị trí thứ 34 trong năm 2010.
Theo báo cáo ITU công bố tháng 2/2010, chỉ số giá chi cho CNTT-TT (gồm giá dịch vụ điện thoại di động, điện thoại cố định và Internet băng rộng) xét trên mức thu nhập của Việt Nam đã tăng đáng kể trong so sánh với các quốc gia khác. Điều này cho thấy các dịch vụ viễn thông của Việt Nam giảm với tốc độ chậm hơn so với các nước.
Công nghiệp và dịch vụ CNTT-TT: Gia công đã có thứ hạng
Nói chung, thứ hạng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ CNTT-TT chưa cao. Nhưng riêng trong lĩnh vực gia công phần mềm và sản phẩm dịch vụ CNTT, Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, được xem là điểm đến hấp dẫn. Tuy vậy, ở mức độ công ty, chưa có công ty phần mềm nào của Việt Nam lọt vào danh sách 100 công ty gia công phần mềm hàng đầu thế giới.
Trong báo cáo công bố tháng 2/2010, Gartner xếp hạng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về gia công phần mềm thứ 9 trong khu vực châu Á, tăng một bậc so với năm ngoái. Trong năm 2010, theo đánh giá của Gartner, gia công phần mềm của Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí. Nếu như năm 2009, Việt Nam có 4 tiêu chí tồi (Poor) và 5 tiêu chí bình thường (Fair) thì sang năm 2010 chỉ còn một tiêu chí (bảo mật dữ liệu và sở hữu trí tuệ) tồi và 8 tiêu chí bình thường. Việt Nam có một tiêu chí duy nhất đứng đầu khu vực là chi phí thấp.
Gartner đánh giá mức độ hấp dẫn gia công phần mềm dựa trên 10 tiêu chí, gồm ngoại ngữ, hỗ trợ chính phủ, nguồn nhân lực, hạ tầng, giáo dục, chi phí, môi trường kinh tế và chính trị, tương đồng văn hóa, môi trường pháp lý và mức độ toàn cầu hóa, khả năng bảo vệ sở hữu trí tuệ và dữ liệu. Các tiêu chí này được xếp hạng theo các mức tồi, bình thường, khá và tốt.
Trong lĩnh vực gia công, Việt Nam có hai thành phố là TP.HCM và Hà Nội được hãng nghiên cứu Tholons (Mỹ) xếp trong top 50 thành phố mới nổi về gia công phần mềm (TP.HCM đứng 5 và Hà Nội đứng thứ 10 trong năm 2009). Đặc biệt, trong một số lĩnh vực gia công như phát triển sản phẩm và kiểm thử, TP.HCM được Tholons nâng từ vị trí “mới nổi” (emerging) lên mức “hoạt động ổn định”. Các dịch vụ gia công khác của TP.HCM như phát triển và duy trì ứng dụng, phát triển game và hoạt họa vẫn được xếp ở mức “mới nổi”.
Xét ở góc độ cạnh tranh của cả ngành công nghiệp CNTT-TT, Việt Nam cũng đã có cải thiện đáng kể. Theo báo chỉ số cạnh tranh CNTT toàn cầu của Tổ chức tình báo kinh tế (EIU) và Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố tháng 10/2009, khả năng cạnh tranh chung của ngành CNTT-TT đã tăng hạng từ vị trí 61/66 quốc gia năm 2008 lên vị trí 56/66 quốc gia. Xét riêng từng lĩnh vực, báo cáo này cho rằng Việt Nam đã có cải thiện ở các chỉ tiêu hạ tầng CNTT, chính sách hỗ trợ phát triển, môi trường pháp lý và môi trường nghiên cứu nhưng thụt giảm ở chi tiêu nguồn nhân lực.
Nhân lực CNTT-TT: điểm yếu nhất
Nhân lực là yếu tố then chốt trong ngành CNTT-TT. Đáng buồn là Việt Nam chưa được thế giới đánh giá cao ở yếu tố này. Trong các báo cáo của quốc tế về CNTT-TT, tiêu chí nguồn nhân lực của Việt Nam thường đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Cụ thể, theo báo cáo của ITU, chỉ số kỹ năng nhân lực CNTT-TT của Việt Nam trong năm 2010 đã tụt 1 hạng, xếp thứ 105/159 quốc gia. Các báo cáo của EIU, BSA và WEF cũng đánh giá Việt Nam bị thụt lùi ở yếu tố nhân lực CNTT-TT. Đặc biệt, theo báo cáo của WEF, chi phí cho giáo dục của Việt Nam xét trên mặt bằng thu nhập ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ sinh viên theo học CNTT-TT giảm.
Viễn thông – Internet: điểm sáng nhất
Trong “tứ trụ” của CNTT-TT, “trụ” viễn thông – Internet được đánh giá cao nhất và là điểm sáng nhất trong bức tranh CNTT-TT của Việt Nam. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông và Internet nhanh nhất, nằm trong top 20 quốc gia có nhiều người dùng Internet nhất thế giới và top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng băng rộng cao nhất (theo hãng nghiên cứu Point-Topic). Tuy nhiên, xét ở tỷ lệ người sử dụng Internet và chỉ số giá cả viễn thông cảu Việt Nam vẫn nằm ngoài top 100 của thế giới.
Theo thống kê số liệu Internet toàn cầu của tập đoàn Miniwatts Marketing Group (
www.internetworldststs.com) tính đến cuối tháng 3/2010, tỷ lệ người dùng Internet của Việt Nam là 28,39%, cao hơn mức trung bình thế giới (26,6%) và đứng thứ 116 trên thế giới. Về số lượng người dùng Internet, Việt Nam đứng thứ 19 trên thế giới và thứ 7 ở khu vực châu Á.
Theo ICTNews