PhuongNguyen
Well-Known Member
Đánh giá sơ bộ về Olympus E-30
Olympus sản xuất E-30 nhằm cạnh tranh với Canon EOS 50D và Nikon D90 trong phân khúc giữa của thị trường, nên trang bị cho mẫu máy này cả những tính năng cao cấp của E-3 lẫn những tính năng thân thiện với người dùng phổ thông của E-520.
E-30 là model tầm trung đầu tiên của Olympus. Ảnh: Photographyblog.
Trước khi E-30 ra đời, dòng DSLR của Olympus bị khuyết một model tầm trung, nơi trước đây có sự góp mặt của các đối thủ như Canon 40D, Nikon D80 và giờ là Canon 50D, Nikon D90 hay còn có thể kể thêm cả Nikon D300. Khoảng cách về giá giữa E-3 (model cao cấp nhất của Olympus) và E-520 (mẫu máy phổ thông) là 900 USD, một khoảng cách quá lớn. Điều đó khiến Olympus bị thua thiệt khá nhiều trên thị trường, bởi đương nhiên những người không có đủ tiền để mua E-3 nhưng lại không muốn sở hữu một model tầm thấp như E-520 sẽ "chạy" sang mua máy của hãng khác.
Nhận thức được điều đó, Olympus đã tung ra E-30 nhằm trám vào lỗ hổng giữa E-3 và E-520. Chiếc máy này cũng được phát triển trên định dạng Four Thirds giống những mẫu DSLR trước của Olympus, được trang bị cảm biến LiveMOS 12,3 Megapixel và thừa hưởng cả những tính năng cao cấp của E-3 lẫn những tính năng phổ thông của E-520.
Olympus E-30 được trang bị cảm biến LiveMOS độ phân giải 12,3 Megapixel.
Ảnh: Photographyblog.
Cảm nhận đầu tiên khi cầm Olympus E-30 là khá chắc chắn và thoải mái, do chiếc máy này được trang bị phần tay cầm rất vừa tay, với một rãnh nhỏ để đặt ngón tay giữa. Ở mặt sau, các phím bấm được bố trí hợp lý, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn so với ở E-3.
Một trong những tính năng được Olympus nói đến nhiều nhất ở E-30 là "Art Filters".
Đây là tính năng cho phép người dùng thêm hiệu ứng vào ảnh, gần giống với các chế độ cảnh mặc định ở những mẫu máy compact, nhưng có cơ chế hoạt động thông minh hơn. Nếu như trước đây, máy sẽ can thiệp bằng các thuật toán vào toàn bộ bức ảnh, thì ở Olympus E-30, máy có thể phân tích, tính toán và chỉ xử lý những khu vực cần thiết.
Tính năng Art Filters cho phép người dùng thêm hiệu ứng vào bức ảnh.
Ảnh: Photographyblog.
Người dùng có thể lựa chọn 6 chế độ "Art Filters" thông qua bánh xe được bố trí ở cạnh trên của máy. Mỗi khi lướt qua chế độ nào, trên màn hình sẽ hiện lên những lời giải thích ngắn gọn về chế độ ấy, giúp người dùng có được sự lựa chọn chuẩn xác. Tính năng này nhận được sự trợ giúp đắc lực từ bộ xử lý ảnh TruePic III+ mới nhất của Olympus.
Ngoài ra, E-30 cũng được thừa hưởng những tính năng rất hữu ích từ E-3, như màn hình LCD rộng 2,7 inch có khả năng lật, xoay các góc, giúp người dùng dễ dàng ngắm chụp trong những vị trí không thuận lợi. Hệ thống lấy nét tự động tại 11 điểm có tốc độ nhanh nhất thế giới từng được ngợi ca "nức lời" ở E-3 cũng được Olympus trang bị cho mẫu máy này. Ngoài ra, E-30 còn được đánh giá cao ở tốc độ chụp liên tiếp 5 khung hình/giây cùng hệ thống chống rung được tích hợp ngay trên máy.
Màn hình LCD 2,7 inch của Olympus E-30 có khả năng lật, xoay các hướng.
Ảnh: Photographyblog.
Mặc dù vậy, Olympus E-30 vẫn còn một số thiếu sót khá đáng tiếc.
Đầu tiên là việc chỉ cho phép lưu ảnh vào một thẻ nhớ duy nhất, dẫu được trang bị khe cắm cho hai loại thẻ là CompactFlash và xD-Picture. Nếu có thể lưu ảnh cùng lúc vào hai thẻ nhớ thì sẽ tốt hơn, bởi nếu không may một ảnh bị hỏng, thì sẽ vẫn còn ảnh dự phòng.
Thêm vào đó, mặc dù tính năng Art Filters có thể khiến nhiều người dùng thích thú, nhưng cả 6 chế độ mà nó cung cấp đều cố định, không có chế độ nào cho phép người dùng tùy chỉnh hoặc tự mình thiết lập các thông số. Điều đó đồng nghĩa, độ trung hòa màu sắc, lượng nhiễu, sạn trong các bức ảnh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các thuật toán mà máy áp dụng, chứ không phụ thuộc vào những điều chỉnh của người dùng. Ngoài ra, Olympus E-30 cũng hơi to và nặng hơn các đối thủ cùng tầm, nhất là khi lắp ống kính Zuiko 14-45mm ra mắt cùng đợt.
Theo dự kiến của Olympus, E-30 sẽ có mặt trên thị trường trong tháng 1/2009 với giá bán khoảng 1.300 USD cho thân máy.
Theo Sohoa
Last edited by a moderator: