TV LCD thắng thế trước Plasma
Màn hình LCD có nhiều ưu điểm so với Plasma, như đa dạng về kích cỡ, mỏng nhẹ, độ bền cao và tiết kiệm điện năng. Ngoài ra, cùng một kích thước, TV LCD cũng có độ phân giải cao hơn.
Mặc dù xuất hiện trước một khoảng thời gian khá dài, nhưng TV Plasma hiện nay đang ngày càng bị thu hẹp thị phần trước sự cạnh tranh dữ dội của công nghệ tinh thể lỏng ra đời sau. Theo thống kê quý III/2008 của hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch, thị phần của công nghệ Plasma trên thị trường TV thế giới chỉ là 7,1%, trong khi con số tương ứng của công nghệ LCD là 50%. TV bóng đèn hình truyền thống chiếm 42,7%.
Tại thị trường Việt Nam, thống kê tháng 10/2008 của công ty GfK cho thấy, 90% TV màn hình lớn bán ra là loại sử dụng công nghệ LCD, còn Plasma chỉ chiếm 10% thị phần. Những số liệu nêu trên là minh chứng cho sự thắng thế tuyệt đối của công nghệ LCD trên thị trường TV màn hình phẳng cỡ lớn hiện nay.
Để có được chiến thắng cuối cùng này, theo các chuyên gia, TV LCD có một số ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với TV Plasma.
Chọn LCD hay Plasma vẫn là một câu hỏi khó với nhiều người. Ảnh:
Hoàng Hà.
Trước hết, khi xét các sản phẩm tầm thấp, TV LCD và Plasma có giá tương đương nhau. Tuy nhiên, trong khoảng giá đấy,
TV Plasma lại có độ phân giải thấp hơn so với đối thủ LCD cùng tầm. Chẳng hạn, một chiếc TV Plasma 42" giá 11-12 triệu của Panasonic hay LG, ra đời năm 2008, có độ phân giải chỉ 1.024 x 768 pixel. Trong khi đó, mức tối thiểu của một chiếc TV LCD tầm 37-42" cũng mức giá này là 1.366 x 768 pixel. Điều này đồng nghĩa, hình ảnh hiển thị trên TV LCD sẽ mịn màng, chi tiết hơn so với TV Plasma.
Sự đa dạng kích cỡ màn hình cũng là một thế mạnh khác của công nghệ LCD, đặc biệt là ở những tầm màn hình nhỏ, trong khi công nghệ Plasma dễ dàng sản xuất được những màn hình cỡ lớn. Chiếc TV Plasma nhỏ nhất thế giới hiện nay có đường chéo màn hình là 32", lớn nhất là 150", nhưng với LCD, bạn có thể thoải mái lựa chọn từ 19" đến 70", chưa kể model lớn nhất của Sharp có số đo 108".
TV LCD đa dạng hơn TV Plasma về kích cỡ màn hình. Ảnh:
Hoàng Hà.
Thêm vào đó, khi xét về kích cỡ, TV LCD mỏng hơn và nhẹ hơn so với TV Plasma cùng tầm.Không những vậy, màn hình Plasma có độ cứng tương đối cao nên rất dễ vỡ nếu vận chuyển và lắp đặt không đúng cách. Do đó cần phải có kỹ thuật viên chuyên trách thực hiện việc này. Còn màn hình LCD mềm dẻo hơn, người dùng có thể tự lắp đặt. Khi chẳng may bị vỡ, màn hình LCD không bị vỡ vụn mà dính lại tạo thành vết răng cưa, không gây nguy hiểm.
Khi xét về độ sâu màu, TV Plasma có thể tạo ra độ tương phản cao và nền đen sâu hơn TV LCD
, do màn hình Plasma được cấu tạo bởi các khối pixel hoạt động riêng biệt tắt mở được, còn màn hình tinh thể lỏng được chiếu sáng bởi đèn nền, nên nếu muốn tạo nền đen ở khu vực nào thì phải che khu vực đó đi. Tuy nhiên, mặt trái của cách cấu tạo này là nó khiến TV Plasma ngốn nhiều điện năng hơn LCD. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, TV LCD có thể tiêu thụ ít điện năng hơn tới 30% so với TV Plasma cùng kích cỡ.
Bên cạnh đó, tuổi thọ tấm nền màn hình LCD cũng cao hơn so với tấm nền Plasma. Trước đây, màn hình Plasma thường bị giảm một nửa độ sáng sau khi sử dụng khoảng hơn 20.000 giờ, nay đã được tăng lên từ 30.000 đến 60.000 giờ, trong khi mức trung bình của tấm nền LCD lâu nay là 60.000 giờ.
Ngoài ra, TV Plasma sau khi sử dụng một thời gian thường có hiện tượng in bóng màn hình
, hay còn gọi là hằn bóng ma, do một hình ảnh tĩnh được giữ nguyên trên màn hình trong một thời gian dài dẫn đến việc bóng của hình ảnh đó bị "chết" vĩnh viễn.
TV LCD phù hợp với những không gian nhiều ánh sáng. Ảnh:
Hoàng Hà.
Tóm lại, với những điểm mạnh, điểm yếu riêng của từng loại công nghệ, người tiêu dùng nên chọn mua TV Plasma nếu thực sự muốn thưởng thức những hình ảnh động có màu sắc ấm cúng, màu đen sâu, đồng thời phòng đặt TV cũng không có quá nhiều ánh sáng.
Ngược lại, nếu muốn xem những chương trình TV hoặc chơi game có nhiều hình ảnh tĩnh hiển thị lâu trên màn hình, đồng thời nơi đặt TV có nhiều ánh sáng hoặc hay xem TV vào ban ngày, bạn nên chọn LCD.
Theo SoHoa