Việt Nam quay lưng với quảng cáo trên điện thoại di động?
PV News Daily - Quảng cáo trên điện thoại di động (Mobile Marketing) không còn là một khái niệm quá mới lạ trên thế giới và từng được cho là một cứu cánh cho ngành công nghiệp quảng cáo trong tình hình khó khăn hiện nay. Tuy vậy, tại Việt Nam, Mobile Marketing dường như mới chỉ dừng ở giai đoạn làm quen.
"Lời hứa" của thị trường
Cùng với nhu cầu sử dụng điện thoại di động đang phát triển với tốc độ chóng mặt, ngành công nghiệp quảng cáo đã tìm được một thị trường mới đầy tiềm năng: Màn hình di động.
Sau các loại hình quảng cáo trên màn ảnh rộng, ti vi và máy tính, quảng cáo trên ĐTDĐ (hay còn được gọi là màn hình thứ tư) được coi là ý tưởng tuyệt vời nhất trong ngành công nghiệp quảng cáo trong nhiều năm qua. Bởi, chiếc ĐTDĐ là "vật bất ly thân" đối với mọi người đang sử dụng dịch vụ viễn thông này, rất thích hợp cho mục đích tiếp cận người tiêu dùng của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, dù lợi nhuận thu được từ loại hình quảng cáo mới này trên toàn thế giới không được như dự đoán nhưng nó vẫn được các nhà đầu tư lớn đặt nhiều hy vọng và tiếp tục đổ tiền vào những chiến dịch mới. Còn ở Việt Nam, diện mạo của quảng cáo trên ĐTDĐ đang trong tình cảnh thật đáng buồn, nếu không muốn nói là bị buông lơi.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển điện thoại nhanh trên thế giới với tổng số thuê bao điện thoại tính đến hết năm 2007 là 46 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 75%. Số thuê bao di động này cho thấy Việt Nam có đầy đủ điều kiện để đẩy mạnh dịch vụ quảng cáo trên ĐTDĐ.
Chủ yếu là bạn bè gửi ...quảng cáo cho nhau
Nhưng những hoạt động có thể coi là thuộc loại hình mobile marketing đang được tiến hành tại Việt Nam hiện nay chỉ đơn thuần là những hoạt động tự phát từ phía doanh nghiệp hay chủ kinh doanh có nhu cầu.
hẳng hạn, thị trường kinh doanh nhỏ trong nước từ 2 - 3 năm trở lại đây đã xuất hiện xu hướng: Một số cửa hàng kinh doanh các hàng hóa như thời trang, mỹ phẩm, đồ lưu niệm... thường xin số điện thoại cầm tay của khách đến mua hàng để sau đó nhắn tin thông báo cho họ những khi có sản phẩm mới nhập về.
Bài bản hơn một chút thì gần đây nhất, có các chiến dịch về Mobile Promotion do CloseUp, Colgate và Pepsi tự thực hiện.
Và dù chỉ là những hoạt động tự phát, lẻ tẻ nhưng cách làm đó cũng cho thấy sự nhạy cảm của giới kinh doanh trong nước khi tận dụng những chức năng của công nghệ hiện đại.
Còn nếu nhìn hoạt động quảng bá này theo hướng chuyên nghiệp thì hiện nay, cả nước mới chỉ có Viettel Telecom tiến hành thử nghiệm dịch vụ với đại lý được ủy quyền chính thức là Công ty cổ phần Vietnam Net Cộng (VNN Plus) theo hình thức: các doanh nghiệp được quảng cáo trên các tin nhắn miễn phí gửi đi từ website của Viettel Mobile (hiện khách hàng của Viettel Mobile được gửi miễn phí 5 tin nhắn/ngày).
Trên mỗi tin nhắn này, phần đầu sẽ là phần thông tin của người gửi tin nhắn, phần sau sẽ là phần quảng cáo và giữa 2 phần sẽ được phân cách bằng ký hiệu quảng cáo: “QC”.
Khách quan mà nói, đây là cách làm thông minh nhất hiện tại, tức là không vi phạm một điều luật spam nào. Tin nhắn gửi đi là tin nhắn miễn phí, khách hàng đồng ý cho chèn nội dung quảng cáo vào; và người nhận tin thì nhận SMS từ bạn bè của họ chứ không phải từ các doanh nghiệp .
Dù có vô số ưu điểm nhưng có một thực tế đáng buồn là dù dịch vụ đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2007 đến nay nhưng VNN Plus vẫn chưa có khách hàng đăng ký.
Chưa khởi sắc vì giá cao?
Chị Vũ Minh Hằng - Điều phối Dự án Quảng cáo trên tin nhắn miễn phí Viettel của VNN Plus cho biết: "Quảng cáo trên điện thoại di động là hình thức quảng cáo tuy mới ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới, nên được rất nhiều khách hàng quan tâm. Hầu hết các agency quảng cáo lớn như Saatchi & Saatchi, Mindshare... đều gọi tới hỏi. Chỉ có điều, sau khi tìm hiểu kỹ mọi thông tin và giá dịch vụ, khách hàng đều cho rằng giá cả như chưa phải là cạnh tranh so với các loại hình quảng cáo khác vốn đang rất phổ biến và “an toàn” hiện nay.”
Theo bảng giá được tính hiện nay, khách hàng sẽ trả trọn gói 25.000.000 đồng/ngày để gửi thông điệp quảng cáo đến thiết bị cầm tay của trung bình 50.000 khách hàng nếu đăng ký dịch vụ từ 1 - 5 ngày. Số ngày đặt quảng cáo càng dài, chi phí càng giảm. Chẳng hạn, nếu sử dụng dịch vụ từ 25 - 30 ngày, khách hàng chỉ phải trả 23.250.000 đồng/ngày (chưa trừ các phần discount, khuyến mại khác).
Chị Vũ Minh Hằng giải thích: "Cơ chế giá do Viettel đưa ra với mục tiêu đảm bảo doanh thu nên rất khó xin điều chỉnh. Hơn nữa muốn có cơ chế giá mới, Viettel còn phải trình lên Bộ duyệt, thủ tục khá là phức tạp."
Quả thật, hiện tại ở Việt Nam còn quá nhiều quy định trói buộc mobile marketing, như: Các quy chế không cho spam, các kế hoạch về giá muốn được thông qua cũng phải chờ cơ quan quản lí duyệt...nên quảng cáo trên ĐTDĐ vẫn đang nằm "chờ thời"...
Người Việt không thích đọc tin nhắn quảng cáo?
Bên cạnh đó, chính thói quen sử dụng điện thoại của người Việt Nam cũng góp phần hạn chế sự phát triển của quảng cáo trên ĐTDĐ. Trong khi ở các nước trên thế giới đã rất quen với việc nhận và gửi tin nhắn MMS chứa các file video, audio, các banner quảng cáo, pop-up và thậm chí là đồ họa đến các thiết bị cầm tay thì ở Việt Nam dù có làm quảng cáo qua ĐTDĐ thì cũng mới chỉ dừng lại được ở mức gửi tin nhắn văn bản.
Với điều kiện hạ tầng mạng lưới của Việt Nam hiện nay, ngay cả việc kinh doanh SMS cũng không thể trực tiếp gửi cho khách hàng nhạc chuông, hình nền...mà phải gửi link cho họ tự kết nối internet bằng ĐTDĐ để download về máy. Vậy thì làm sao quảng cáo trên ĐTDĐ có thể vươn tới những hình thức đó?
Ngoài ra, còn một nguyên nhân dẫn đến việc chưa triển khai loại hình quảng cáo này ở nước ta, đó là: Các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông di động (Telco) chưa quan tâm đúng mức đến dịch vụ này bởi doanh thu từ mobile marketing tại thời điểm này rất nhỏ, trong khi mỗi Telco có thể làm ra hàng tỉ đồng mỗi ngày mà chẳng mất là bao công sức (ngay cả trên thế giới, ngày công nghiệp quảng cáo trên điện thoại di động cũng không phải là ngành có khả năng sinh ra lợi nhuận lớn tức thời mà chỉ dành cho những “ông lớn” biết “kiên nhẫn”)
Từ đó, sự gắn kết giữa telco và các bên khai thác dịch vụ còn chưa chặt chẽ, bản thân các telco cũng chưa ý thức đầu tư đúng mức vào hạ tầng công nghệ để triển khai các dịch vụ marketing qua ĐTDĐ.
Ngày nay, thị trường đang ngày càng phân mảnh nhiều hơn, khách hàng càng khó tính và dị ứng hơn với thông điệp quảng cáo. Vì vậy, nếu muốn đưa mobile marketing trở thành dịch vụ giá trị gia tăng hiệu quả, cần có sự bắt tay mật thiết giữa các Telco với doanh nghiệp, nhà cung cấp nội dung và mobile marketing cần được gắn với website và khả năng tương tác với Internet.
Theo VietNamnet