Sôi động internet mobile
Không cần hotspot, không cần cáp lằng nhằng, hễ nơi nào có sóng CDMA là vào mạng internet. Nếu không là tốc độ của EVDO thì cũng là CDMA 2000-1x. Tốc độ tùy thuộc công nghệ mạng và thiết bị. Đây là dịch vụ mới, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì cũng còn khá nhiều điểm yếu mà nhà khai thác chưa nói tới!
Chọn mạng
Mạng CDMA tại Việt Nam hiện đang được S-Fone, EVN và HT Mobile khai thác. Cũng cần nhắc lại rằng, CDMA hiện nay có hai gói công nghệ nhỏ: 2000-1x và EVDO. Dù không cùng tần số nhưng đã khai thác CDMA, các nhà khai thác đều có hai gói công nghệ trên với tốc độ tương đối đồng nhất: 2000-1x có tốc độ từ 144 - 244 Kbps, còn EVDO - tốc độ đỉnh là 2.4 Mbps. Nhưng đó chỉ là những thông số tồn tại trên bề mặt lý thuyết, còn thực tế sử dụng lại là chuyện khác mà người sử dụng cần lưu ý.
Qua thực nghiệm tại nhiều địa điểm, dù công bố tốc độ tối đa là 2.4 Mbps, tốc độ thực tế là 2.1 Mbps nhưng qua nhiều khách hàng sử dụng, tốc độ Internet Mobile EVDO của S-Fone là 230.4 kbps. Tuy chỉ bằng 1/9 so với số liệu đã công bố nhưng địa bàn phủ sóng EVDO của S-Fone khá rộng (5 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) và chất lượng sóng tương đối ổn định.
Truy cập internet qua điện thoại sẽ trở thành xu hướng mới?
Cũng tuyên bố là có EVDO nhưng với HT Mobile không có phủ theo “diện” mà chỉ phủ theo “điểm”. Một nhân viên của HT Mobile cho biết, hiện nay, những địa chỉ sau là có EVDO của HT Mobile: làng Phú Đỗ, thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm), Hải Bối (Đông Anh), khu vực sân bay Nội Bài, đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) - Hà Nội; P.5 (Q.5), chợ An Dương Vương (P.10, Q.6), 917 Hồng Hà và 49A Lê Văn Hưu (Tân Bình) - TP.HCM. Những vùng còn lại chỉ có sóng của 2000-1x. Với việc cấp sóng EVDO “nghèo nàn” như vậy, khó mà thu hút được người sử dụng quan tâm đến dịch vụ Internet Mobile của HT Mobile.
Khá hơn một chút, EVN đã phủ sóng EVDO (có tốc độ tương đương như S-Fone công bố) tại 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Qua truy cập thử Internet Mobile CDMA 2000-1x của EVN, tốc độ của công nghệ này có lúc lên được 160 Kbps, còn tốc độ trung bình là 50 - 60 kbps. Dù vào được web nhưng thời gian khá lâu và chất lượng sóng cũng không ổn định.
Chọn thiết bị
Qua khảo sát, dù đây là công nghệ hiện đại nhưng người tiêu dùng vẫn chưa nhiệt tình sử dụng dịch vụ là do thiết bị còn ít để cho người sử dụng lựa chọn. Qua tham khảo ý kiến của nhiều người đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Mobile, họ thích chọn các loại thiết bị gắn với máy tính qua cổng USB (C-Motech C550) hoặc cổng PCMCIA (Merlin 620, Huawei EC321) hơn là chọn các model điện thoại di động vì các dòng card có tốc độ truy cập nhanh hơn và không ảnh hưởng đến số máy của người sử dụng. Khi kết nối bằng ĐTDĐ, máy sẽ trong tình trạng báo bận vì Internet Mobile là công nghệ truyền đối xứng như công nghệ Dial-up. Hiện nay, model C-Motech C550 (có giá 1,79 triệu đồng) có bán tại các đại lý của S-Fone và FPT Mobile. HT Mobile có card Merlin 620 với giá 3,89 triệu đồng. Theo quy định chung, những thiết bị không do các đại lý của các nhà khai thác mạng phân phối, không được kích hoạt để sử dụng dịch vụ Internet Mobile, kể cả 2000-1x.
Sơ đồ truy cập mạng internet qua di động của AT&T
Trong khi những model ĐTDĐ truy cập được EVDO của HT Mobile (Moto Q) và S-Fone (Samsung F363 - 5,39 triệu đồng) không dùng sim thì model Ubiquam U300 của EVN (5,83 triệu đồng) là dòng máy có sim theo chuẩn công nghệ EVDO. Model này có thể kết nối với máy tính bằng cáp hoặc bằng bluetooth (máy tính phải có chức năng bluetooth gắn trong hoặc qua card rời ngoài).
Dùng “nhà” nào?
Sau khi có được thông tin về chất lượng mạng và thiết bị để truy cập, để chọn “nhà” nào là tùy thuộc vào các gói cước. Hiện nay dịch vụ Internet Mobile có hai cách tính: dung lượng và thời gian. Mỗi cách tính có những ưu điểm riêng, tùy theo nhu cầu sử dụng mà có cách lựa chọn.
S-Fone và HT Mobile đều sử dụng cách tính cước theo dung lượng. HT Mobile có hai gói. Gói Data 1 không có phí thuê bao, truy cập bao nhiêu tính bấy nhiêu với giá 5 đồng/ kb. Gói Data 2 có phí thuê bao là 300.000đ/tháng (được dùng miễn phí 300 MB), vượt quá dung lượng miễn phí, người dùng phải trả tiền với giá 2 đồng/kb. S-Fone cũng có hai gói cước. Gói Data Basic có phí thuê bao là 400.000 đ/ tháng (được dùng miễn phí 4 GB), vượt quá dung lượng trên, trả thêm tiền với giá 5 đồng/kb. Còn gói Data Option có phí thuê bao 200.000đ/tháng, dùng miễn phí 1,5 GB, vượt mức được tính với giá 2 đồng/kb.
EVN lại tính cước theo thời gian sử dụng (phí thuê bao là 50.000đ/tháng) là 180đ/phút (10.800đ/giờ), trong đó gồm 145 đồng dành cho cước thoại và 35 đồng dành cho cước truy cập internet.
Nếu làm phép so sánh thì cước của HT Mobile được xem là đắt nhất. So kè nhau chỉ có cước của S-Fone và EVN. Anh Nhật Bình (Q.9, TP.HCM) phân tích, dùng gói nào cũng có thế mạnh riêng nhưng nên dùng gói Data Basic của S-Fone vì dung lượng tải về trên mạng chính xác hơn thời gian. Có những lúc kẹt mạng (chuyện thường xuyên ở Việt Nam), người dùng sẽ thiệt thòi. Vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi, chọn gói cước nào là tùy theo nhu cầu và thời gian sử dụng của khách hàng. Người thích lang thang trên mạng (không tải dữ liệu) thì nên dùng Data Basic. Còn người tải driver, phần mềm, phim ảnh..., nên dùng gói cước của EVN.
Dù đã công bố tiện ích Internet Mobile từ lâu nhưng gần đây, dịch vụ này mới được nhà cung cấp dịch vụ CDMA lẫn khách hàng quan tâm.
Khách hàng còn nghi ngờ về chất lượng đường truyền. Nhà cung cấp dịch vụ còn lúng túng về thiết bị cũng như giá cước. Phải cần có thời gian mới có thể đánh giá chất lượng cũng như tính hiệu quả giữa các gói dịch vụ của các nhà. Chờ vậy!
MobileNET