Câu chuyện đằng sau mẫu ô tô rẻ nhất thế giới
Câu chuyện về chiếc ô tô rẻ nhất thế giới, Tata Nano giá 2.500 USD, vẫn đang râm ran ở cả trong và ngoài tập đoàn Tata, dù mẫu xe đã ra mắt được hơn 4 tháng.
Tại Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật của Tata ở gần nhà máy sản xuất ô tô của tập đoàn tại Pune, ngoại ô Bombay (Ấn Độ), có hai mẫu xe đang được trưng bày. Một là bản hoàn chỉnh của Nano, mẫu xe nhỏ giá 2.500 USD mà Tata đã ra mắt hồi tháng 1 năm nay. Chiếc kia là bản cắt đôi của chiếc xe, để có thể quan sát cấu trúc bên trong xe.
“Hàng ngày, chúng tôi mời mọi người tới xem và kiểm tra xe, rồi hỏi: ‘Chúng tôi phải làm thế nào để cắt giảm chi phí hơn nữa?’,” ông Ravi Kant, Giám đốc điều hành Tata Motors cho biết. Cuộc chạy đua sản xuất xe rẻ nhất thế giới vẫn chưa kết thúc.
Cho đến nay, Tata vẫn từ chối đề cập chi tiết về việc chiếc xe được sản xuất như thế nào và đã ký thỏa thuận giữ bí mật với các nhà cung cấp. Nhưng khi mẫu xe ra mắt, một số nhà cung cấp đã không “giữ miệng”.
Ghi danh vào lịch sử
Dự án sản xuất xe Tata Nano được triển khai từ năm 2003, khi Chủ tịch Tata, ông
Ratan Tata, đặt mục tiêu sản xuất một mẫu “xe của mọi người”. Ông giao đưa ra ba yêu cầu đối với mẫu xe này cho nhóm kỹ thuật, do kỹ sư Girish Wagh 32 tuổi lãnh đạo: giá rẻ, đáp ứng các quy định, và đạt các mục tiêu cơ bản về tính năng vận hành, như tiết kiệm nhiên liệu và khả năng tăng tốc.
Phiên bản "Luxury" của Tata Nano có thêm đèn sương mù, cửa sổ điều khiển điện
Ban đầu, nhóm thiết kế đưa ra một mẫu xe chỉ có khung và các tấm nhựa để che mưa chứ không phải kiểu xe mui kín. Kỹ sư Wagh thẳng thắn thừa nhận rằng mẫu thiết kế đầu tiên trông giống một chiếc xe máy bốn bánh hơn là ô tô.
Tuy nhiên, sau đó họ quyết định rằng phải sản xuất một mẫu ô tô thực sự, chứ không phải là xe máy cải tiến, hay loại ô tô trông như đồ chơi hoặc quá rẻ tiền.
Trước tiên, Chủ tịch Ratan Tata triệu tập cuộc họp các nhà cung cấp phụ tùng hàng đầu của tập đoàn, cho họ xem những bản thiết kế đầu tiên và yêu cầu họ giúp đỡ. Các công ty như
Bosch của Đức tỏ thái độ bi quan với dự án này. Các nhà cung cấp Ấn Độ cũng vậy.
Tuy nhiên, ông Tata vẫn kiên trì thuyết phục và chỉ ra rằng việc lập các dự án đặc biệt phục vụ phát triển mẫu xe Nano không chỉ góp phần làm nên lịch sử trong ngành công nghiệp ô tô mà còn giúp tạo dựng tên tuổi cho chính các nhà cung cấp. Không lâu sau, các nhà cung cấp quen của Tata đã đồng ý tham gia.
Tập trung vào từng chi tiết nhỏ
Tập đoàn Rane, chuyên sản xuất hệ thống lái cơ cấu thanh răng, là một ví dụ. Họ tập trung vào việc giảm trọng lượng của các vật liệu dùng cho xe Nano, thay tay đòn thép của hệ thống lái bằng thép ống. Thêm vào đó, thông thường sản phẩm hình thành từ hai bộ phận, nhưng đã được thiết kế lại thành một để tiết kiệm chi phí gia công và lắp ráp.
Thông số kỹ thuật của xe Tata Nano:
Dài: 3,1m
Rộng: 1,5m
Cao: 1,6m
Động cơ: 2 xy-lanh 624cc
Công suất: 33 mã lực
Tốc độ tối đa: khoảng 95km/h
(Tuy nhiên, tốc độ tối đa đề xuất của hãng là 70km/h)
Tiêu thụ nhiên liệu: khoảng 4,7 lít/100km
Cắt giảm chi phí: Không điều hoà, không tay lái trợ lực, không túi khí, không hệ thống chống bó cứng phanh ABS, chỉ có một cần gạt nước, cửa sổ quay tay...
Trường hợp khác là GKN Driveline India, nhà sản xuất các chi tiết động cơ và trục cardan. Công ty này đã mất một năm sản xuất thử 32 kiểu trục cardan khác nhau để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho xe Nano. Họ tham khảo ý kiến các nhà thiết kế của công ty ở Pháp và Ý, thay đổi thiết kế giúp trục cardan nhẹ hơn và dễ sản xuất hơn. Với hệ dẫn động cầu sau của xe Nano, hãng GKN đã thiết kế một trục có đường kính nhỏ hơn, để giảm trọng lượng và chi phí vật liệu.
Các nhà cung cấp khác cũng tương tự, dù không công ty nào tiết lộ cụ thể mức cắt giảm chi phí.
Thách thức lớn nhất của Tata trong dự án sản xuất xe Nano - trước đây, bây giờ và cả trong tương lai - vẫn là chi phí, đặc biệt khi giá các vật liệu chính như thép đã tăng gần gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Thêm vào đó, công ty phải tuân thủ những quy định mới, khắt khe hơn, của ngành.
Để cắt giảm tối đa chi phí, Tata Nano phải hy sinh độ bền. Ví dụ, Tata đã chọn loại vòng bi đủ độ cứng cho vận tốc tối đa 70km/h, nhưng sẽ bị vỡ nếu xe chạy quá ngưỡng tốc độ trên. Tuy nhiên, chiếc xe cũng không được thiết kế để chạy ở tốc độ cao và Tata không hy sinh độ an toàn của người tiêu dùng. “Khi tôi cần bạc, tại sao tôi lại phải đầu tư cho vàng,” ông Ashok Taneja, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ, chia sẻ. Đây là tổ chức đại diện cho nhiều nhà cung cấp của Tata khi họ ký các thoải thuận với Tata trong dự án sản xuất xe Nano.
Riêng động cơ đã phải thiết kế 3 lần. Ban đầu, kỹ sư Wagh nghĩ đến việc sử dụng động cơ sẵn có trên thị trường, nên đã nghiên cứu tất cả các loại động cơ công suất nhỏ. Tuy nhiên, tất cả đều không phù hợp nên vào đầu năm 2005, anh quyết định phải tự sản xuất lấy. Động cơ đầu tiên là loại dung tích 540cc, khi lắp vào xe mẫu thì không đạt công suất cần thiết. Sau hai lần thay đổi, cuối cùng dung tích động cơ được ấn định là 623cc.
Khung xe cũng được thay đổi so với thiết kế ban đầu vì Chủ tịch Ratan Tata, người sở hữu chiều cao trên 1m8, muốn chiếc xe phải tạo sự thoải mái tối thiểu ngay cả với người cao. Sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng chiều dài của xe tăng 100mm lên 3,1m.
Khẳng định năng lực
Tất cả sự tập trung của Tata vào từng chi tiết nhỏ trong thiết kế mẫu Nano đã đem đến một kết quả là khi chiếc xe lần đầu ra mắt tại triển lãm ô tô New Delhi hồi tháng 1, đích thân chủ tịch Ratan Tata là người cầm lái và việc ông, với vóc dáng cao lớn, nhẹ nhàng bước ra khỏi xe là một hình ảnh có tính thuyết phục khá cao.
Điểm thực sự gây “sốc” đối với ngành công nghiệp ô tô thế giới là chiếc xe dù giá chỉ 2.500 USD nhưng có hình thức không hề rẻ tiền hay quá "hàng mã".
Tata cũng cho biết Nano đáp ứng được mọi quy định về an toàn và khí thải của Ấn Độ. Nhóm kỹ sư phát triển mẫu xe Nano có độ tuổi trung bình từ 25 đến 30.
Câu chuyện về mẫu xe Tata Nano không chỉ được lan truyền trong ngành công nghiệp ô tô, mà nó còn được dùng để minh hoạ cho đất nước Ấn Độ ngày nay - một đất nước năng động, đầy tham vọng, với nhiều tài năng trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.