NỘI DUNG:
Đường thư là bộ phim truyện nhựa về đề tài chiến tranh, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2005, phát hành đầu năm 2006. Phim do nhà văn Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản và nghệ sĩ trẻ Bùi Tuấn Dũng đạo diễn.
Tân (Quốc Tuấn đóng) và An (Tuấn Tú đóng) là hai chiến sĩ quân bưu mặt trận, nhận lệnh vận chuyển một công văn thượng khẩn giữa chiến trường ác liệt. Bằng mọi giá họ phải chuyển mật lệnh của cấp trên đến một đơn vị quân giải phóng đang bị địch bao vây ở cao điểm 861, cách chỉ huy sở nhiều ngày đường. Nếu lệnh đến chậm hoặc không đến được, thì cả đơn vị này có nguy cơ bị tiêu diệt. Trên đường đến cao điểm 861, hai chiến sĩ quân bưu-một đã dạn dày trận mạc (Tân) và một là “lính mới” (An)-đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Phẩm chất gan dạ, mưu trí, dũng cảm và ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ quân bưu được bộc lộ qua việc họ xử lý những tình huống, những trở ngại trên “đường thư”. Và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dù phải chấp nhận những hy sinh, tổn thất to lớn...
Trong chiến tranh, người lính quân bưu tuy không trực tiếp chiến đấu với quân thù nhưng họ có vai trò hết sức quan trọng. Họ đã có mặt trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, nhưng “lên phim” thì còn rất hiếm hoi. Có lẽ vì công việc của họ khá thầm lặng nên ít được phản ánh và vì thế nên trong rất nhiều trường hợp, họ như những chiến sĩ vô danh trên chiến trường ác liệt. Thậm chí do điều kiện ở chiến trường, do đặc thù của nhiệm vụ mà đôi khi những chiến công và sự hy sinh của họ cũng không được biết đến. Chất nhân văn sâu sắc nhất của bộ phim Đường thư chính là ở ý tưởng này. Đó là ý tưởng lâu nay trong tâm thức Đoàn Minh Tuấn, một nhà biên kịch từng là chiến sĩ tình nguyện chiến đấu giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng, một nhà thơ từng đoạt giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội với những bài thơ viết về đời lính khi anh mới là một hạ sĩ tuổi hai mươi.
Trong hoàn cảnh phim thị trường, phim “thời thượng” đang ăn khách như hiện nay, làm phim về đề tài chiến tranh thật khó, phim về người chiến sĩ quân bưu càng khó. Có lẽ vì thế mà Hãng phim truyện Việt Nam đã chọn một đạo diễn sinh ra sau chiến tranh, chưa từng đi bộ đội và chưa làm phim truyện nhựa bao giờ để hy vọng vào một sự “khác lạ” nào đó? Và họ đã không thất vọng khi Bùi Tuấn Dũng chọn một hình thức thể hiện thích hợp với truyện phim, mang âm hưởng của một “bài ca người lính”. Với phong cách “bài ca” này, đạo diễn đã được tự do cấu tạo và phát triển những sự cố trên đường công tác của các nhân vật, qua đó bộc lộ những tính cách, phẩm chất của họ. Hình ảnh một anh chàng An tân binh viết thư cho người yêu luôn nói mình là chiến sĩ đặc công; An chưa thông nhiệm vụ nên luôn kiếm cớ để “vặc” Tân; An toát mồ hôi, xanh xám mặt mày mỗi khi gặp mìn, gặp rắn rết, thú dữ; An trêu ngươi bọn thám báo biệt kích; An đánh “tay bo” với lính Mỹ... là những nét hồn nhiên, lãng mạn, góp phần tô đậm chất thơ, chất nhạc cho tác phẩm.
Sự hồn nhiên của nhân vật An khi ra trận cũng giống như sự hồn nhiên của đạo diễn trẻ-“tân binh” Bùi Tuấn Dũng-khi làm bộ phim đầu tay với một kịch bản hay nhưng khó làm này. Sự “hồn nhiên” ấy cùng với nét tài hoa của một đạo diễn trẻ được đào tạo chính qui, bài bản, đã giúp anh sử dụng khá “đắc địa” các chi tiết trên “đường thư” như: Tháo gỡ bom mìn, đánh nhau với thám báo, đánh tháo cho đồng đội khi bị địch bắt... đặc biệt là đoạn các chiến sĩ quân giải phóng và y tá thay nhau đọc một bức thư của người vợ một thương binh trong lúc anh đang hấp hối... Qua đó, thể hiện khả năng diễn đạt bằng hình ảnh, tư duy dàn dựng và khắc hoạ cá tính nhân vật của đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng. Ngay sau bộ phim này, anh đã được cùng Lý Vỹ-đạo diễn Trung Quốc-thực hiện bộ phim hợp tác của điện ảnh hai nước mang tên Hà Nội, Hà Nội sắp hoàn thành.
Mặc dù vẫn còn một vài hạn chế về bối cảnh khiến “chất trận mạc” của phim chưa đạt đến “đỉnh điểm”, nhưng Đường thư là một bộ phim thành công về nhiều mặt. Đó là một bài ca người lính được viết bằng hình ảnh. Đường thư còn là một minh chứng cho sức sống của đề tài chiến tranh và người lính trong dòng văn học nghệ thuật hôm nay. Vấn đề là nhận thức, khai thác và thể hiện mảng đề tài này như thế nào...
DOWNLOAD
http://www.mediafire.com/?sharekey=225d557e269f8dc3e62ea590dc5e5dbbc3ce56650a35cb1db8eada0a1ae8665a