3 điều tiếp theo của Vovinam
VI - Ý Hướng Học Tập Và Đời Sống Tinh Thần.
Khi đã có ý thức dụng võ đứng đắn, Việt Võ Đạo Sinh bắt đầu đi vào chủ trương "Cách Mạng Tâm Thân". Muốn cách mạng tâm thân, phải rèn luyện tâm thân. Muốn rèn luyện tâm thân, phải có ý hướng học tập và trau giồi đời sống tinh thần. Có thế chúng ta mới có huy vọng vào được bên trong tòa nhà võ đạo, chớ không chỉ quanh quẩn bên ngoài ngưỡng cửa võ thuật.
Ý hướng học tập của Việt Võ Đạo Sinh có thể thâu tóm trong 2 chữ: Chuyên Cần.
Chuyên: Tập trung tâm trí vào một việc, một sự nghiệp.
Cần: Lo và làm hết sức mình, không quản khó nhọc.
Chỉ giản dị có 2 chữ "Chuyên cần", mà theo được đúng, thật khó biết bao!
Ý hướng học tập của Việt Võ Đạo Sinh có 5 điểm căn bản:
Học cho rộng: Học ở đây thuộc phạm vi võ đạo và võ thuật, cả lý thuyết và thực hành, từ những thế, đòn, miếng tới ý thức hệ Việt Võ Đạo, từ ý thức hệ Việt Võ Đạo tới các ý thức võ đạo và võ thuật của các môn võ khác trên thế giới. Chỉ giản dị có bấy nhiêu thôi, cũng đòi hỏi ở chúng ta biết bao nhiêu công phu học hỏi, nghiên cứu, thực tập.
Hỏi cho kỷ: Mỗi người đều có óc thiên bẩm, có mức thông minh khác nhau, có chí hướng và nghĩ lực hơn kém nhau. Nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm: học đều gì chưa biết rõ, thì phải hỏi. Hỏi ở thầy, ở bạn trong cuộc sống. Hỏi một lần chưa hiểu được thấu đáo, sẽ hỏi nữa, hỏi cho kỷ lưỡng, không bỏ cuộc nửa chừng, không tự ái chán nản.
Nghĩ cẩn thận: Khi đã hiểu rồi, còn phải suy nghĩ thêm về những điều mình đã học. Suy nghĩ càng thêm cẩn và thận trọng, lúc thi hành càng ít lỗi lầm. Thói quen suy nghĩ sẽ làm ta hiểu nhanh, biết rộng, luôn luôn tìm thêm được những ý nghĩ mới, ý kiến mới, ý niệm mới. Thiên kiêu sáng tạo, phát minh, chính một phần lớn là kết tinh của những công trình suy nghĩ. Môn phái Vovinam sở dĩ hình thành được, mở đầu là công trình suy nghĩ của Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc. Trong lịch sử, những danh nhân làm nên sự nghiệp lớn là những người có thói quen suy nghĩ, chuyên cần suy nghĩ. Người có thói quen suy nghĩ cẩn thận, kỷ lưỡng, là người không bao giờ mắc phải những lỗi lầm quan trọng do sự vội vàng, cẩu thả tạo nên.
Luận cho sáng: Không một sự việc nào trong đời sống không bắt chúng ta phải suy luận. Những luận cứ, nếu càng sáng rõ bao nhiêu, càng dễ tới thành công bấy nhiêu. Muốn luận cho sáng, chúng ta phải hàm dưỡng đầy đủ những công phu quan sát, phân tích, tổng hợp, biện luận, phản luận và kết luận mau lẹ bao nhiêu, trí tuệ chúng ta càng thăng hoa bấy nhiêu, và càng gần với đích thành công bấy nhiêu.
Làm hết sức mình: Làm, trong việc học võ là thực tập võ thuật. Làm, trong đời sống là luyện cho chúng ta một thói quen ham hoạt động, ưa chuộng thực tế, không ảo tưởng. Không một ai thành công lớn hay lâu dài trong cuộc sống nếu những người đó chỉ làm hết một nửa sức mình. Muốn làm hết sức mình, phải luôn luôn tự đào luyện cho mình một kỷ luật tinh thần vững chắc, một ý thức về công việc đầy đủ. Lại luôn luôn vừa làm, vừa học, để mỗi ngày có thêm kinh nghiệm quý giá hơn, gặt hái được nhiều thành quả hơn.
Kế đó, đến phần rèn luyện tinh thần.
Phương pháp rèn luyện tinh thần của Việt Võ Đạo Sinh có thể thâu gọn vào việc phát triển và rèn luyện những đức tính:
Đức tính sống khỏe: Khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn vật chất, để trí óc được luôn luôn thăng bằng. Trí óc thăng bằng là đầu mối của mọi đức tính.
Đức tính đức độ: Luôn luôn bao dung, điều hoà khắc chế mình và tha thân (người) để cùng tiến bộ.
Đức tính cương trực: Tức đức tính cương quyết và thẳng thắn, một đức tính tối cần cho nhà võ.
Đức tính trầm tĩnh: Chìm lắng và bình tĩnh, đễ tránh những trường hợp xốc nổi, nóng nảy, vội vàng, dễ dàng đưa tới thất bại.
Đức tính tháo vát: Rèn luyện thói quen có thể ứng biến với mọi hoàn cảnh, trong mọi trường hợp.
Sau hết, và cũng quan trọng hơn hết, Việt Võ Đạo Sinh phải trau giồi đạo hạnh.
Thế nào là "đạo hạnh"?
Đạo hạnh chính là 2 tiếng gọi tắt của 5 tiếng "phẩm hạnh Việt Võ Đạo".
Phẩm hạnh Việt Võ Đạo vô cùng cần thiết cho sự rèn luyện tâm thân của Việt Võ Đạo Sinh trong cả đời công cũng như trong đời tư, vừa phù hợp với đạo và võ thuật, vừa thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Chúng ta đều biết giá trị của cuộc sống có 3 thành tố: Âm tố, Dương tố và Đạo thể.
Âm tố, tượng trưng cho sự mềm, sự tĩnh, sự tối. Dương tố tượng trưng cho sự cứng, sự động, sự sáng. Vòng đạo thể bao người, với những phẩm danh:
Phối hợp
Khắc chế
Điều hoà
Bao dung
Phối hợp, khắc chế, điều hòa, bao dung, những tính mềm (nhu), cứng (cương), tĩnh, động, tối, sáng của tạo vật, chính là những phẩm tính của đạo, của võ đạo, của Việt Võ Đạo. Đó là những phẩm hạnh căn bản mà một Việt Võ Đạo Sinh phải luôn luôn trau giồi, để làm tròn sứ vụ võ đạo của mình. Và, đó cũng là những phẩm hạnh căn bản, đầu mối của mọi đức tính.
Tóm lại, tất cả giải đáp trên được đúc kết lại thành điều tâm niệm thứ 6:
Việt Võ Đạo Sinh Chuyên Cần Học Tập, Rèn Luyện Tinh Thần, Trau Dồi Đạo Hạnh.
VII- Tâm Nguyện Sống Của Việt Võ Đạo Sinh
Khi rèn luyện tâm thần là Việt Võ Đạo Sinh đã tự tạo cho mình tâm nguyện sống: Tâm nguyện sống được thể hiện bằng 4 đức tính:
Trong sạch
Giản dị
Trung thực
Cao thượng
Bốn đức tính trên, không những chỉ phù hợp với Việt Võ Đạo Sinh, mà rất có thể phù hợp với các tôn giáo và các tổ chức dân sự cũng như quân sự. Tuy nhiên, Việt Võ Đạo Sinh là những người dũng mãnh, thực tế, nên việc làm thể hiện những đức tính đó có tính cách tích cực, ngang nghiên và linh hoạt. Trong khi các tu sĩ thì thể hiện những đức tính trên theo tinh thần tiêu cực, chìm lặng vào nội tâm.
1. Về đức tính trong sạch: Với các tu sĩ, thì trong sạch có nghĩ là: mắt không nhìn những gì ô uế, tai không nghe những gì tà mị, không nghĩ những điều vẫn dục, để ngăn chặn những hành động xấu xa ngay từ gốc rễ. Việt Võ Đạo Sinh không thế. Vì sống trong lòng xã hội phải hoà hợp với mọi người, mọi giới, chúng ta không thể bưng tai bịt mắt trước những tội lỗi, xấu xa của xã hội, mà trái lại, phải lắng tai, phải nhìn thẳng vào mọi sự việc để giải quyết và cải thiện nó. Miễn là chúng ta không bao giờ để cho những tội lỗi, xấu xa đó làm xao xuyến, vẩn dục tâm hồn mà phát động ra những lỗi lầm, tội lỗi.
2. Về đức tích giản dị: Với các tu sĩ thì giản dị có nghĩa là: ăn, ở, trang phục đều đơn so, đạm bạc. Mặc dầu khi có đủ điều kiện để hưởng ứng những tiện nghi, hoa mỹ, cũng không dùng tới. Trái lại, giản dị đối với Việt Võ Đạo Sinh là những người bình thường nên cũng có những nhu cầu thông thường và muốn được thỏa mãn, song không hạch sách, đòi hỏi, gây phiền toái, khó chịu mọi người. Đức tính giản dị làm cho Việt Võ Đạo Sinh luôn luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh và dễ dàng được thiện cảm của mọi người.
Chúng ta cũng phải cần phân biệt giản dị khác với lập dị. Một người có nhà cao cửa rộng, chăn ấm, nệm êm, nhưng vì muốn được khen là giản dị, lại vác chiếu xuống nằm ở một hóc bếp thì đó chỉ là lập dị. Cũng như một thiếu niên, nhờ sinh trong một gian đình khá giả, cha mẹ may mặc cho những hàng đắt tiền, quý giá lại bỏ đó đòi may những hàng vải xấu thô kệch thì cũng chỉ là lập dị. Hoàn cảnh cho phép thì ta cứ dùng, chỉ khi nào hoàn cảnh không có mà cầu kỳ, đòi hỏi nọ kia thì mới là thiếu giản dị.
3. Về đức tính trung thực: Trung thực với môn phái, với người trên, và với cả mọi nguời nữa. Nhưng trung thực không có nghĩ là không biết tới sự gian trá, nhưng tự thắng mình để không bị nhiễm tính gian trá, đó mới là phẩm cách xứng đáng của Việt Võ Đạo Sinh. Đối với người ngoài, trung thực cũng không có nghĩa là ngây thơ, đần độn, để hứng chịu tất cả mọi âm mưu lừa đảo và khuynh đảo. Trong những trường hợp cần thiết, người trung thực phải chứng tỏ cho kẻ gian trá hiểu rằng lối sống và những thủ đoạn gian trá của họ không thể thành công. Đó là đức tính trung thực của Việt Võ Đạo Sinh.
4. Về đức tính cao thượng: Cao thượng không phải là một đức tính thường lệ, chiếu lệ, mà cao thượng là một đức tính ứng dụng trong những truờng hợp đặc biệt.
Ví dụ: Khi giao đấu, ai cũng biết rõ anh A là người có bản lãnh võ thuật hơn anh B. Nhưng anh A không chịu ra đòn, và cứ nhường nhịn mãi, tới lúc bị anh B đánh ngã. Trong thâm tâm anh A muốn chứng tỏ mình là một cao thượng nên đã áp dụng đức tính này trong một trường hợp thông thường. Tất nhiên mọi người xung quanh chẳng những có thế cho rằng anh A kém tài, mà còn có thể ngộ nhận rằng anh ta là người gàn dở, thiếu tinh thần thể thao.
Ngược lại nếu anh A là người có tử thù với anh B, nhưng tới lúc có thể trả thù được, anh A không làm, vì anh B đã thành thực hối lỗi. Đây là một trường hợp đặc biệt, nên ai cũng thấy rõ rằng anh A là người cao thượng.
Tuy nhiên, việc rèn luyện đức tính cao thượng. đã khó mà việc hành xử sao cho đứng đắn, càng khó hơn. Đức tính cao thượng không phải là thái độ bất chợt, một nghĩa cữ xuông, mà là một công phu hàm dưỡng từng ngày.
Tóm lại, 4 đức tính đã được tóm tắt trong điều tâm niệm thứ 7 của Việt Võ Đạo Sinh:
Việt Đạo Sinh Sống Trong Sạch, Giản Dị, Trung Thực Và Cao Thượng.
VIII- Ý Chí Của Việt Võ Đạo Sinh
Khi đã có tâm nguyện sống, Việt Võ Đạo Sinh còn phải rèn luyện ý chí, Người xưa thường phân ý chí ra là 3 loại, với lối diễn tả gợi hình:
Loại ý chí lau sậy: Tức là loại ý chí dễ ngả nghiên, hay thay đổi, gió chiều nào ngã theo chiều ấy, dễ bẻ dễ gẫy, không có chủ định gì cả.
Loại ý chí gỗ mục, củi mục: Khá hơn một chút, vì có đôi chút công dụng trước khi bị mục hẳn hay cùn hẳn. Nhưng khi đã mục hẳn, cùn hẳn rồi thì lúc đó còn là những vật đáng bỏ và chờ đợi sự mai một.
Loại ý chí đanh thép: Tức loại ý chí vững vàng nhất. Thép là vật liệu phổ thông, nên ai nấy đều hiểu rõ công dụng của nó là vũng vàng, chắc chắn. Ý chí của những người đại trượng phu, những bậc anh hùng: để lâu ngày có thể bị rỉ sét, nhưng thể bẻ gẫy được.
Là Việt Võ Đạo Sinh, tất nhiên chúng ta phải tự rèn rũa, tôi luyện lấy một ý chí đanh thép. Hơn thế nữa, chúng ta phải kiện toàn ý chí đanh thép ấy, để ý chí chúng ta luôn luôn ngời sáng không bị rỉ sét.
Trong thực tế, muốn kiện toàn ý chí đanh thép, Việt Võ Đạo Sinh phải:
Trước khi quyết định, cần thâu lượm, cân nhắc kỹ càng các sự kiện và dữ kiện.
Khi bắt tay vào việc rồi, thì không đắn đo nữa, phải thực hiện kỳ được, với tất cả sở năng, mau lẹ và kiên quyết.
Đã có ý chí là phải hành động. Hành động là đá thử vàng để tìm hiểu xem ý chí đó có thật là đanh thép không. Trong đời sống, chúng ta đã gặp biết bao nhiêu người thích nói mạnh, khỏe giỏi, nhưng vừa chậm chạp phải những khó khăn của thực tế liền lùi bước lẫn tránh ngay. Đó là trường hợp của những anh hùng rơm, ngọn lửa ấy chỉ bốc cháy rất mau, thật lớn, nhưng đã sớm tàn lụi ngay.
Do đó, ý chí đanh thép còn cần phải băng qua một cuộc thí nghiệm nữa, mới có thể chứng tỏ nghị lực và hành động của người có nó. Ý chí đanh thép phải đụng chạm với những khó khăn trở ngại của thực tế mới chứng tỏ được sự rắn chắc và bền bỉ. Còn khó khăn, trở ngại nào đáng giá cho bằng những khó khăn, trở ngại khi phải đương đầu với cường quyền, bạo lực?
Như Hưng Đạo Đại Vương đứng trước thế ào ạt, dũng mãnh của cường địch, thấy quân mình ít, thế yếu, mà vội đầu hàng thì làm sao mấy lần đại thắng quân Mông Cổ, hầu biểu dương ý chí đanh thép, cương quyết.
Nếu Trần Bình Trọng chịu khuất phục, đầu hàng ngay sau khi bị bắt, và chỉ nói câu "Ninh vi Nam quỷ, vô vi Bắc Vương" (thà làm quỷ nước Nam, không làm vương đất Bắc) ở hậu tuyến, thì ông còn làm gì được kể là người có ý chí đanh thép.
Nếu Nguyễn Cao, Phó Nguyên súy nghĩa quân Cần Vương Bãi Sậy mà đầu hàng Thống Sứ Bihourd để ra làm quan với Pháp, thì ông đâu còn là người có ý chí kháng Pháp đanh thép.
Cường quyền, bạo lực là những thử thách lớn nhất và hữu hiệu nhất của ý chí đanh thép. Cho nên có ý chí đanh thép thôi, chưa đủ, còn cần phải kiện toàn nó, và để nó không bao giờ bị khuất phục trước cường quyền, bạo lực.
Đúc kết lại điều tâm niệm thứ 8 là:
Việt Đạo Sinh Kiên Toàn Ý Chí Đanh Thép, Thắng Phục Cường Quyền, Bạo Lực