• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongAnh

New Member
Sang năm mới chúc tất cả anh em trên PV có một bầu trời sức khoẻ, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình thịnh vượng.

Chúc anh em sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc, coi tiền như rác, coi bạc như rơm, chung thủy với cơm và sắc son với phấn.

Chúc Box8 càng ngày càng lớn mạnh.

Happy New Year
 

Auto

New Member
]
Hạng 3! ;)
Chúc mọi người năm mới phát tài phát lộc lun nhe! :)
Posted via Mobile Device
 

nouvu2372

New Member
phaononm2.gif
huyentttao-quan-014.jpg
phaononm2.gif
 
Năm mới chúc anh em pdaviet bác nào cũng vài cái pda găm đầy người, tiền chất đầy nhà, gái bu đầy người:)
 

thanhnam711

New Member
1142244568loi_chuc_dau_nam_resized.jpg


Chúc anh chị em bà con cô bác PDAviet mạnh khỏe và gặp nhìu thành công trong cuộc sống, chúc pdaviet ngày càng đi lên và thành diễn đàn về thiết bị cầm tay lớn nhất VN.:)
 

Badamgiak23

Super V.I.P
Vẫn âm thầm Upload nhiều Ứng dụng & Trò chơi mới nhất lên www.mediafire.com/badamgiak23

Nói nhỏ kéo BQT biết nhé bà con.
Hiện tại đã có 120.000 lượt Download của thành viên...mọi người tiếp tục nhé.
 

PhuongAnh

New Member
Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu đem vàng bạc chất đầy nhà ta. Nỗi buồn, nước mắt đem ra, Niềm vui, hạnh phúc trâu mau tha về ... Khắp thị thành, khắp thôn quê, Trẻ con tíu tít mừng reo lì xì. Cụ bà, ông lão nâng ly, Bách niên giai lão sức tì hơn trâu. Mẹ ta trường thọ sống lâu, Cha ta chân cứng dãi dầu tráng niên. Em ta thỏa chí thanh niên, Bạn ta thành đạt, làm nên công hầu. Trâu ơi trâu nhắn dùm ta, Phát tài phát lộc muôn nhà an vui ...
 

PhongQuang

Super V.I.P
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
CHÚC ANH EM PDAVIET VẠN SỰ NHƯ Ý_AN KHANG THỊNH VƯỢNG
CHÚC DIỄN ĐÀN NGÀY CÀNG KHANG TRANG
 

BraDo

New Member
CHÚC MỪNG NĂM MỚI TOÀN THỂ ANH CHỊ EM PDAVIET, VẠN SỰ NHƯ Ý & DỒI DÀO SỨC KHỎE​
 

MinhThang

Manager
Chào Xuân Kỷ Sửu!

Tản mạn về hoa đào và hoa mai

Đào và Mai là hai loại cây gắn bó với Tết của người Việt đã hàng nghìn hàng vạn năm. Nếu như ở mảnh đất phương Nam xa xôi hoa Mai kiêu hãnh khoe mình trong nắng, gió thì trong tiết trời se lạnh của miền Bắc hoa đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông

Theo truyền thuyết, có một cây hoa đào đã mọc từ rất lâu trên vùng núi cao phía bắc. Trên cây đào bỗng xuất hiện hai vị thần tài giỏi có nhiệm vụ bảo vệ và che chở cho dân làng trong vùng. Do đó, ma quỷ rất sợ hai vị thần này và sợ luôn cả hoa đào. Cứ thấy cành đào là chúng bỏ chạy thật xa.


hoa-dao-1.jpg


Hàng năm, gần đến Tết, hai vị thần này lại phải lên trời gặp Ngọc Hoàng nên không có người bảo vệ nên dân trong làng rủ nhau lên rừng chặt đào mang về cắm trong nhà để phòng ma quỷ.

Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, là loại hoa đặc biệt của tết Nguyên đán. Nhiều người chuộng chơi hoa đào tết vì hoa đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm.


hoa-dao.jpg



Ðào có 4 giống: Giống "đào bích" có màu hồng thẫm, sai hoa là một loại đào dùng để cắm chơi trong các ngày tết. "Ðào phai" hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả. "Ðào bạch" ít hoa hơn, tương đối khó trồng. Các loại đào này đều có hoa kép.
Giống "đào thất thốn", cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế. Cành đào Nhật Tân là món quà quý cho những người thân sống ở phía Nam trong các dịp tết Nguyên đán. Ðào Việt Nam cũng đã có mặt ở nhiều nước châu Âu.

Nếu như hoa đào, chi mai là đặc sản của miền Bắc vào ngày tết, thì hoa mai vàng lại là đặc sản của miền Nam. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một loại cây rừng. Cây mai vàng cũng rụng lá vào mùa Ðông, thân, cành mềm mại hơn cành đào. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoa màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Mai vàng còn có giống sau khi cho hoa còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc, là mai tứ quí và nhị độ mai.


(1)Mai.jpg



Mai trồng để lấy hoa vào dịp tết Nguyên đán được trồng từ hạt hay triết cành. Có thể trồng mai vàng ngoài vườn, vào bồn hay vào chậu đều được. Mai ưa ánh sáng và đất ẩm. Người miền Nam thường chơi hoa mai vàng vào những ngày tết. Còn giống hoa nước gọi là mai chiếu thủy, cây lá nhỏ, hoa nhỏ mọc chùm trắng và thơm, thường trồng vào núi đá non bộ, ra hoa mùa xuân, cây và cành được uốn tỉa lại thành cây thế. (Sưu Tầm.)​
 

MinhThang

Manager
Xuân Kỷ Sửu

Năm 2009 là kỷ sửu, tức là năm con trâu. Trong Phật giáo, biểu tượng trâu được ví cho tâm vọng tưởng, tham, sân, si, buông lung, thiếu tự chủ của chúng ta. Đức Phật cũng như chư Tổ đã để lại nhiều lời dạy quý giá để chăn giữ con trâu tâm ý này.

Trong kinh Phóng Ngưu (Tăng Nhất A Hàm), Đức Phật dạy để trở thành người chăn trâu giỏi, vị ấy nên vâng giữ mười một điều:

1. Người chăn giỏi sẽ dễ dàng nhận ra trâu của mình (tức chúng ta phải quán biết sắc thân này do bốn đại: đất, nước, gió và lửa tạo thành).

2. Biết hình tướng của mỗi con trâu trong đàn (tức biết được các chuyển biến của thân, khẩu, ý là thiện hay bất thiện).

3. Biết tắm rửa cho trâu (như biết sám hối và rửa tâm tham, sân, si của mình cho sạch).

4. Biết chăm sóc vết thương cho trâu (tức biết sáu căn là mai mối khiến các tai họa từ ngoài nhập vào, nên phải sống phòng hộ các căn).

5. Biết đốt vỏ cây, un khói để trừ các loài ruồi muỗi (như biết áp dụng hương pháp nhũ để trị bịnh tâm động loạn).

6. Biết dẫn trâu đi con đường an toàn (tức biết trừ trợ duyên sanh tử, sống trong nhà xuất ly tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới).

7. Biết chỗ ở thích hợp cho trâu (nên sống trong đạo tràng đạo hạnh).

8. Biết cách đưa trâu lội qua sông (tức biết trạch pháp để tìm kim chỉ nam đúng).

9. Biết chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu (như biết nuôi dưỡng thân tâm mình bằng cách luôn quán chiếu Tứ niệm xứ: thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã).

10. Biết giữ gìn nơi thả trâu (tức biết tiết lượng khi nhận tứ sự cúng dường, biết tri túc, đừng để mất tín tâm Phật tử).

11. Biết đưa trâu lớn để dẫn đàn (tức biết kính trọng và theo gương các bậc trưởng thượng thiện hạnh).

Do chăn giữ như vậy, nên từ từ trâu tâm của chúng ta được thuần hoá và lợi ích hữu tình, giống như trâu ngoan hiền đem lại lợi ích lớn lao cho nông gia và xã hội. Chúng ta đừng để cho trâu hoang chạy lung tung xâm phạm lúa mạ, tổn thất hoa màu, mùa màng của người tức làm phiền lòng những người láng giềng lân cận xung quanh, như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Di Giáo: “Y như chăn trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa mạ của người.”

Trong thiền tông Trung Hoa hình ảnh con trâu cũng được minh họa rất linh động qua cách vấn đáp của các thiền sư như sau:

Một hôm, ngài Mã Tổ Đạo Nhất hỏi Thạch Củng: "Ông làm cái gì đây?"

Đáp: "Chăn trâu."

Lại hỏi: "Chăn như thế nào?"

Đáp: "Mỗi khi nó chạy a vào đồng cỏ, thì xỏ mũi kéo nó lại, thế là người chăn giỏi."

Hoặc như ngài Phước Châu Đại An hỏi tổ Bách Trượng:

"Tôi khát khao muốn hiểu Phật pháp, việc đó như thế nào?"

Bách trượng đáp: "Hệt như cỡi trâu tìm trâu!"

Hỏi: "Hiểu rồi như thế nào?"

Đáp: "Như người cỡi trâu về nhà."

Hỏi: "Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp?"

Đáp: "Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình, đừng cho phạm vào lúa mạ của người."

Như vậy, chăn trâu tức là luyện tâm, đừng để nó chạy rông, buông lung theo thất tình, lục dục mà không biết những hiểm nguy rình rập. Chúng ta phải dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, phải cảnh giác tìm trâu, chăn trâu, làm chủ trâu và tự tại với trâu. Giai đoạn thăng tiến tâm linh này được thiền tông minh họa qua 10 bức tranh chăn trâu ‘Thập Mục Ngưu Đồ’ nổi tiếng: 1) Tìm trâu, 2) Thấy đầu, 3) Thấy trâu, 4) Được trâu, 5) Chăn trâu, 6) Cưỡi trâu, 7) Quên trâu, 8) Vắng hết, 9) Về nguồn, và 10) Vào chợ.

Ngài Thượng Sỹ Tuệ Trung (thế kỷ XIII) đã diễn tả thành công tiến trình chăn trâu này của ngài qua bài thơ sống động như sau:

“Một mình cố giữ con trâu đất

Xỏ mũi dắt về chẳng nghỉ ngơi

Vừa đến Tào khê buông xuống hết

Mênh mông nước chảy cuống bọt trôi”.

Hương xuân Kỷ Sửu 2009 đang len lõi trong gió và nắng Milwaukee, xin kính chúc Chư Tôn Đức tăng ni, quý Phật tử và quý đồng hương xa gần luôn nhớ chăn con trâu tâm ý của mình. Kính mong mỗi vị sẽ là những hiệp sĩ chăn trâu giỏi để đem an lạc và hạnh phúc đến cho mình và mọi người.

Các bậc thánh hiền cũng từ đây mà thành tựu.

Danh thơm muôn thuở cũng từ việc chăn trâu đơn giản này.

Kính mong lắm thay!



Phước Hậu Tự, 1/1/2009
 

MinhThang

Manager
Sáu Tên Giặc
Minh Thắng

Xuân Di-Lặc biểu hiệu một mùa hoan hỷ. Hoan hỷ, không phải là vui mừng chốc lát, mà là niềm hân hoan vô biên, trải khắp mọi người, mọi loài. Xuân, không những là sự bừng dậy của thời tiết tuần hoàn, mà còn là sự đổi mới của người trên đường tỉnh giác, sự chuyển hóa tâm thức trong nỗ lực tu học. Hơn nữa, Phật tử đều vui mừng vì tin rằng thế giới đảo điên này còn có lối thoát. Hãy nghe lời tụng: "Nam-mô Đương-lai Hạ-sanh Di-Lặc Tôn Phật."

Di-Lặc phiên âm từ tiếng Phạn Maitreya, gồm các nghĩa: hoan hỷ, bao dung, tương thân tương ái. Tên hiệu của ngài là Từ Tôn, tức là Bậc Tu Tâm Đại Từ. Có tới 6 quyển kinh ghi lời Phật Thích-Ca giảng về những điều liên quan đến đức Di-Lặc. Kinh Di-Lặc, phẩm Thượng Sanh, cho biết ngài là một đệ tử của Phật sau khi đã tu hạnh Bồ-tát qua hàng trăm triệu kiếp. Khi Phật Thích-Ca thọ ký cho đức Di-Lặc làm Phật ở cõi sa-bà trong tương lai, ngài dạy rằng đức Di-Lặc sẽ sinh vào cõi trời Đâu-Xuất để tu tập cho đắc quả và sẽ trở lại thế giới này để giáo hóa chúng sanh.

Tại Bồ-đề Đạo-tràng ở Ấn-Độ, nơi Phật Thích-Ca thành đạo, các vị cao tăng đang xúc tiến "Maitreya Project" rất quy mô, nhằm thực hiện một khuôn viên tu học có tầm vóc quốc tế và hướng về tương lai nhân quần. Ở giữa khuôn viên là tượng Phật Di-Lặc ngồi, cao 150 mét (500 bộ Anh), tay phải bắt ấn, tay trái đưa ra đón như Phật A-Di-Đà. Tượng được tạc bằng những kỹ thuật và chất liệu tinh xảo nhất để có thể tồn tại trong 1000 năm, tổng hợp nhiều tài năng thế giới về mỹ thuật, điêu khắc, vi tính mô hình, cơ khí, kiến trúc, và địa chất. Coi www.maitreyaproject.org để biết thêm chi tiết.

Theo truyền thống Á Đông, hình tượng Di-Lặc là một vị Bồ-tát ăn mặc xuề xoà, ngồi phệt dưới đất, mập mạp, bụng phệ, gương mặt hiền hậu dễ dãi, và đặc biệt là miệng cười thật rộng, cười hả hê, cười hết mình, nhìn thẳng người đối diện như muốn trao hết niềm vui cho người ấy. Điểm này khác với vẻ mặt trang nghiêm, nụ cười nhẹ nhàng, và đôi mắt trầm tư của các vị Phật và Bồ-tát khác. Lại nữa, có những tượng, chúng ta thấy sáu đứa trẻ bám trên thân ngài. Đứa móc mắt, đứa bóp mũi, đứa rờ miệng, đứa nhéo tai, đứa gãi rún, đứa leo lên đầu, mà ngài vẫn thản nhiên. Nhìn sâu hơn, chúng ta hiểu rằng tượng Di-Lặc tóm gọn những lời dạy thường xuyên của Phật, nhắc nhở chúng ta xây dựng cuộc sống an bình.

Sáu đứa trẻ nghịch ngợm trên thân ngài Di-Lặc tượng trưng cho "sáu tên giặc" chuyên gây phiền lụy. Vì chúng ta thiếu khả năng thanh trừng sáu tên giặc này, bấy lâu nay bị chúng tung hỏa mù đánh lạc hướng, chúng ta tiếp tục làm khổ bản thân và những người chung quanh.

Phật dạy rằng con người có sáu căn, tức là sáu bộ phận cảm nhận (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); tương ứng với sáu căn là sáu trần, tức là sáu loại kích thích từ bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); sáu căn tiếp nhận sáu trần tương ứng, tạo nên sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức).

Với mắt, ta thấy hình ảnh, rồi khởi lòng tham ái hoặc ghét bỏ. Với tai, ta nghe âm thanh, rồi khởi lòng ưa thích hoặc chán nản. Với mũi, ta ngửi mùi, rồi khởi lòng ham muốn hoặc bực dọc. Với lưỡi, ta nếm vị, rồi khởi lòng thỏa mãn hoặc khó chịu. Rồi đến các ý tưởng không ngừng – chúng ta luôn bận óc để tính kế, bày mưu, tìm lời tranh cãi, phần lớn cũng chỉ là khen mình, chê người mà thôi. Nói chung, đối với các dữ kiện cảm nhận, chúng ta đều khởi tâm phân biệt, rồi đưa tới bất an: muốn mà không được cũng khổ, được mà không đúng như ý cũng khổ! Nhẹ thì nhức đầu, đau tim. Nặng thì đưa đến cãi vã, tranh chấp, chém giết, chiến tranh. Như thế, sáu tên giặc nguy hiểm đã, đang, và sẽ đẩy chúng ta luẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử. Vì không biết chế ngự chúng, nên chúng ta tạo biết bao ác nghiệp.

Khi Phật còn tại thế, có một người tìm đến cầu học, hai tay cầm hai bó hoa lớn để cúng dường. Khi thấy người ấy, Phật bảo "Buông!" Ông ta buông tay trái, bó hoa rớt xuống đất. Phật lại bảo "Buông!" Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Phật lại bảo "Buông!" Ông ta ngơ ngác, thưa: "Bạch Thế Tôn, con đã buông cả hai tay rồi. Còn gì nữa đâu mà buông?" Phật dạy: "Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông sáu căn, lần thứ hai là dạy ông buông sáu trần, lần thứ ba là dạy ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không còn vướng mắc thì tất cả 18 giới sẽ không tạo ra, lúc ấy ông được giải thoát."

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Phật dạy trực tiếp: "Các thầy phải tu sáu pháp vô-thượng. Những gì là sáu?

Mắt thấy sắc, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Tai nghe tiếng, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Mũi ngửi mùi, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Lưỡi nếm vị, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Thân chạm xúc, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ý đối với mọi việc, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

Ai đạt được sáu pháp này là bậc vô-thượng, xứng đáng cho trời, người tôn trọng, cung kính, cúng dường."

Phật lại dùng biển làm thí dụ. Trong kinh Tương Ưng Bộ, ngài dạy: "Bậc thánh thấy mắt là biển, sắc trần là sóng; tai là biển, thanh trần là sóng; mũi là biển, hương trần là sóng; sáu căn là biển, sáu trần là sóng. Nếu ai kham nhẫn nổi những đợt sóng vùi dập của sáu trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – thì người ấy ắt qua được biển lớn, tức là sang được tới bờ giải thoát sanh tử." Chúng ta thấy chìa khoá mở cửa giải thoát nằm ngay trong tay. Khi tiếp xúc với sáu trần mà không bị chao đảo, thì con thuyền trí tuệ của chúng ta đủ vững để hướng thẳng tới bờ giải thoát.

Vì thế, trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, Phật khẳng định: "Khiến cho luân hồi sanh tử là do sáu căn. Đạt tới an lạc giải thoát cũng từ sáu căn mà được."

Phật lại dạy: "Bốn tâm vô-lượng của Bồ-tát là cội gốc cho tất cả các hạnh lành." Bốn tâm vô-lượng là từ, bi, hỷ, xả. Đức Di-Lặc biểu hiện tâm hỷ xả. Thực ra, hỷ xả đi kèm với từ bi, vì có thương yêu ta mới biết tha thứ, có hạnh phúc ta mới có cái để chia xẻ với người khác. Thực hành xả là quán vô-ngã, đưa tới hết kiêu mạn. Nhờ thế, chúng ta sẵn sàng lắng tai nghe, mở rộng tâm trí để tiếp nhận ý kiến người khác một cách hài hoà. Tiến xa hơn, chúng ta không chấp trước hình thức, danh từ, ước lệ nữa – chúng ta xả hết. Tất cả chỉ là phương tiện tạm thời, cũng như cái bè cần để sang sông nhưng cái bè không phải là bờ bên kia. Như vậy, chúng ta thực hành lời dạy của kinh Kim-Cang. Khi xưa, Lục-tổ Huệ-Năng đã chứng ngộ khi nghe đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm." Sáu trần chính là nguyên do làm tâm chạy lăng xăng: mắt thấy sắc, tâm chạy theo sắc, là tâm động; mắt thấy sắc, tâm không chạy theo sắc, là tâm an. Muốn hàng phục tâm, đừng vướng mắc vào sáu trần, tức là buông xả mọi vọng tưởng. Khi hết vọng tưởng, thì an trụ được tâm.

Sau mỗi khoá lễ, chúng ta thường tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, mở đầu bằng câu: "Khi Bồ-tát Quán-Thế-Âm thực hành sâu xa trí-tuệ bát-nhã, ngài nhận thấy năm uẩn đều không, nên ngài vượt qua hết các khổ nạn." Năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là cảm nhận qua các giác quan. Thí dụ, khi người kia cất tiếng nói, nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần khiến ta nghe thấy họ nói. Nhưng, khi người ta chưa mở miệng phát âm, cái nhận-ra-tiếng-nói ấy không thể có. Cái nhận-ra-tiếng-nói tự nó không có, mà do duyên hợp của trần và căn. Vì là duyên hợp, nên cái cảm nhận không có thật, chỉ là cấu trúc chủ quan. Chúng ta thường cố chấp, nhận giả làm thật, rồi khởi tâm phân biệt. Phật bảo đó là ngu si. Người có trí tuệ, quán thấy thọ-uẩn là vô-ngã, nên không lệ thuộc vào nó, không bị nó chi phối, tức là an nhiên tự tại, vượt qua được mọi khổ nạn.

Trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, khi Phật Thích-Ca hỏi các bậc đại Bồ-tát về cách tu chứng, ngài Đại-Thế-Chí nói: "Nếu chúng sinh thành tâm tưởng nhớ về Phật, thì hiện nay hay về sau, nhất định thấy Phật. Khi cách Phật không xa, thì không cần phương tiện, tâm sẽ tự được khai ngộ. Bản thân con đã dùng pháp niệm Phật mà chứng được cảnh giới vô sinh. Nay ở cõi này, con nguyện tiếp dẫn những người niệm Phật về cõi Tịnh-độ. Phật hỏi về viên thông, con xin thưa là con thu nhiếp tất cả sáu căn bằng cách niệm Phật liên tục để đạt tới chánh định."

Thêm nữa, trong kinh Phật Thuyết A-Di-Đà, Phật dạy: "Nếu ai trì niệm danh hiệu A-Di-Đà một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, nhất tâm không loạn, thì khi thọ chung, người ấy sẽ được Phật A-Di-Đà cùng các thánh đưa sang cõi Cực-lạc." Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Phật còn khuyên: "Ai nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán-Thế-Âm, liền khỏi được sân hận." Khi tâm chúng ta chỉ toàn là niệm về Phật và Bồ-tát, không còn các tạp niệm lẫn vào, thì quả là nhất tâm không loạn. Lúc ấy, sáu tên giặc hết lộng hành, và chúng ta an nhiên tự tại.

Tóm lại, chúng ta nhận thấy lời Phật dạy về sáu căn hiện diện khắp nơi, từ các bộ kinh Nam-truyền cho đến các kinh chính của Đại-thừa. Những giáo pháp phương tiện của Phật thu về một mối: Sáu căn là mấu chốt tu tập, chế ngự sáu tên giặc là điều kiện giải thoát. Phật tử chúng ta hãy ứng dụng điều này trong đời sống hàng ngày.​
 

MinhThang

Manager
PHONG TỤC VIỆT

Ý NGHĨA NĂM KỶ SỬU - CON VẬT RẤT GẮN BÓ VỚI NGƯỜI DÂN VIỆT NAM

Trong lịch sử can chi đã quen dùng ở phương Đông số thứ tự thứ 2 là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Giờ Sửu được tính từ 1 đến 3h đêm, là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, thế nhưng con trâu lại thức lặng lẽ nhai lại.
Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết. Trong 12 con vật thời gian, trâu là con vật to nhất, khỏe nhất. Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn thân.
Trong ca dao dân ca, trâu được nói đến nhiều vì trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt ở nông thôn. Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ... đều có mặt trâu. Trâu gần gũi thân thiết với con người như hình với bóng. Thế nên trong cơ nghiệp nhà nông con trâu được xếp hạng nhất "Con trâu là đầu cơ nghiệp".
Tuổi sửu con trâu kềnh càng,
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về.
Trâu thay sức người làm công việc đồng áng nên việc mua sắm trâu là việc hệ trọng. Nhà nghèo thường khó sắm được trâu để làm mùa, phần nhiều là mướn trâu.
Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay
Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước con trâu đã là người bạn thân thiết gắn bó với nông dân. Tất cả đều phải cần cù làm lụng, hỗ trợ cho nhau để có miếng ăn.
Trâu ơi ta bảo trâu này


Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ ngọn lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Đôi khi người nông dân cũng tâm tình thì thầm to nhỏ cùng trâu như nói chuyện với một đứa trẻ con.
Nghé ơi ta bảo nghé này
Nghé ăn cho béo nghé cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần
Tuy bận rộn vất vả trong những ngày mùa nhưng trâu cũng có ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi hoặc nằm trong chuồng nhỏ nhẹ nhấm bó rơm khô. Số phận của con trâu và người nông dân gắn bó đồng cam cộng khổ.
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Nông dân rất quý con trâu, nó là một phần tài sản của họ. Nó đã được đưa ra so sánh đánh giá sự giàu nghèo.
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Và hình ảnh thằng Cuội chăn trâu cũng thật thà đáng thương
Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Hình ảnh con trâu cũng được dùng để phê phán những kẻ lừa đảo chỉ biết vì quyền lợi cá nhân.
Lái trâu, lái lợn, lái bò
Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào
Hoặc tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm
Thật thà như thể lái trâu,
Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng.
Ai cũng biết buôn bán thì không thể có sự thật thà, quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cũng rất phức tạp, khó có sự dung hòa được.
Lại có câu ca dành cho người thích lấy vợ dại, ngoan hiền
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm
Bởi vậy ta nên trở về với cái vốn có không nên quá mộng tưởng. Cái gì của mình có sẵn quý hơn vì nó là có thực.
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm
Và rất nhiều người bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cho như thế là sung sướng hơn người.

Ai bảo chăn trâu là khổ
Không, chăn trâu sướng lắm chứ?
Ngồi lưng trâu ta hát nghêu ngao...
Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau một cách tình tứ trong những lúc lao động để quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả.
Trâu kia kén cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con
Người ta có trước có sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng như tuồng cau đực
Trai không vợ cực lắm anh ơi
Người ta đi đón, về đôi
Thân anh đi lẻ, về loi một mình
Hoặc để gợi chuyện làm quen nhau:
Hỡi cô cắt cỏ bên đồng
Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy chia ba
Thân em là gái được là bao nhiêu?
Các cô gái cũng hóm hĩnh, đáo để không kém
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Đến khi có vợ rồi nên một lòng một dạ không nên bắt chước những người đi trước năm thê bảy thiếp để rồi gặp phải cảnh.
Ba vợ bảy nàng hầu
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.
Trâu anh con cưỡi con dòng
Có con đi trước lòng thòng theo sau.
Và đôi khi là những hình ảnh ẩn dụ về những ngang trái mà con trâu phải gánh chịu.
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao
Thời sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…
Thời gian dần qua đi. Theo đó, hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, hát ngêu ngao những bài đồng dao cũng đã dần mất đi. Thế nhưng hình ảnh làng quê, đồng ruộng, cây lúa, con trâu vẫn thấm sâu vào tâm hồn người dân Việt.​
 

MinhThang

Manager
TẾT NGUYÊN ĐÁN CÓ TỪ BAO GIỜ?

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán, hay nói ngắn hơn là Tết có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương.

Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng mẫu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần.

Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng chạp làm tháng đầu năm.

Qua nhà Chu (1050-256 trước công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng mười một làm tháng Tết.

Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa: nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày tết khác nhau.

Đến đời Đông Chu, Khổng Phu Tử ra đời, đổi ngày tết vào một tháng nhất định: tháng Dần.

Mãi đến đời Tần (thế kỷ III trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười.

Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loại Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.

Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng bảy.

(Trích bài "Tết Nguyên Đán" của Nguyễn Đình Khang)​
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top