Một ngày Âm lịch được chia làm 12 giờ, có thứ tự là:
1) Tý 23 - 1 g (tương đương từ 23 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau)
2) Sửu 1- 3 g
3) Dần 3 - 5 g
4) Mão 5 - 7 g
5) Thìn 7 - 9 g
6) Tỵ 9 - 11 g
7) Ngọ 11 - 13 g
8) Mùi 13 - 15 g
9) Thân 15 - 17 g
10) Dậu 17 - 19 g
11) Tuất 19 - 21 g
12) Hợi 21 - 23 g.
Như vậy, chúng ta thấy rằng:
Một múi giờ theo Âm lịch gồm 2 giờ theo Dương lịch. Hay nói một cách khác: Nếu Dương lịch chia múi giờ làm 24 múi giờ thì Âm lịch chỉ chia làm 12 múi giờ.
Từ 23 giờ ngày hôm trước với cách tính giờ theo Dương lịch, cho đến 1 giờ sáng ngày hôm sau vẫn là trong một giờ theo Âm lịch.
Trên cơ sở này, chúng ta xem xét một lập luận tính tháng Nhuận sau đây theo giờ Dương lịch của các nhà làm Âm Dương lịch Việt Nam:
Vào ngày cuối tháng Âm lịch:
Tiết Trung khí rơi vào 23 g 22 phút tính theo múi giờ Dương lịch tại Việt Nam và rơi vào 0g 22 phút theo múi giờ Dương Lịch tại Trung Quốc.
Lập luận này cho rằng:
Tiết Trung khí đến trước 0g của ngày cuối tháng Âm lịch tại Việt Nam. Nên tháng đó ở Việt Nam vẫn có tiết Trung khí. Bởi vậy, tháng đó không phải tháng Nhuận theo Âm lịch Việt Nam - theo qui ước là tháng nào không có tiết Trung khí lấy làm tháng Nhuận.
Còn do tiết Trung Khí rơi vào 0g 22 phút theo múi giờ Trung Quốc , tức là giờ đầu tiên tinh theo Dương lịch của mùng 1 Âm lịch tháng sau, nên Âm Lịch Trung Quốc tháng trước đó không có Trung khí. Bởi vậy Âm lịch Trung Quốc tháng đó phải là nhuận của tháng trước đó, còn Việt Nam thì không.
Từ lập luận này nên Âm lịch Việt Nam và Âm lịch Trung Quốc sai nhau một tháng.
Mới nghe thì có vẻ hợp lý và khoa học vì sử dụng phương tiện khoa học hiện đại quan sát thiên văn chính xác đến từng phút. Lại dùng giờ Dương lịch được quốc tế công nhận.
Nhưng lập luận này sai lầm ở phương pháp làm lịch. Đó chính là tính không nhất quán về phương pháp qui ước trong Âm lịch. Do Âm lịch chia múi giờ chỉ có 12 múi. Và đã làm Âm lịch thì phải theo qui ước về giờ Âm lịch. Đó là tính nhất quán về phương pháp. Không thể lấy "Giờ Tây, tính lịch Tàu, theo lối ta" được.
Theo qui ước giờ Âm lịch thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều năm trong một múi giờ theo Âm lịch. Nếu tạm lấy múi giờ 0 theo chuẩn quốc tế hiện nay là giờ Tý thì cả Việt Nam và Trung Quốc là múi giờ thứ 4 - tức là múi giờ Mão. Nhưng nếu lấy ngay múi giờ Việt Trung làm chuẩn 0 của giờ Âm lịch thì 11g 22 phút và 0g 22 phút theo Dương lịch, đều rơi vào giờ Tý của ngày đầu tháng hôm sau.
Hay nói một cách khác: Nếu nhất quán việc phương pháp tính Âm lịch theo quy ước giờ Âm lịch thì cả hai nước Việt Trung đều phải có tháng nhuận trùng nhau và không có chuyện sai lệch nhau một tháng như vậy.
Ở đây tôi cũng xin lưu ý thêm là:
Nếu nhất quán về phương pháp thêm chút nữa thì nên để ý giờ Âm lịch tuỳ theo vị trí trái Đất quay quanh mặt trời có sai lệch so với qui ước của giờ theo Dương lịch có khi tới hơn 40 phút, tuỳ từng tháng. Vì vậy nếu theo phương pháp quy ước nhất quán của Âm Lịch thì ăn Tết theo Lịch Vạn Niên (tức 18/2/2006) mới chính xác.
Nguyễn Vũ Tuấn Anh