'Tôi rất trăn trở khi dừng ký hợp đồng xuất gạo'
"Trước khi Chính phủ quyết định dừng ký hợp đồng xuất gạo, không chuyên gia nào dám nói với tôi là vụ đông xuân sẽ được mùa hay mất mùa", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời khi vấn đề lúa gạo một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn sáng nay.
Dù đã có 2 Bộ trưởng Nông nghiệp và Công thương giải trình về việc tạm dừng xuất khẩu gạo trong khi giá thế giới lên cao, nhưng trong phiên chất vấn hôm nay, Thủ tướng đã dành thời gian đáng kể cho vấn đề này.
Ông cho biết, cuối tháng 3, các chuyên gia thế giới dự báo thiếu gạo trên toàn cầu, trong khi trong nước vẫn còn 1,6 triệu tấn gạo đã ký kết chưa giao hàng. Miền Bắc đầu năm rét đậm khả năng được mùa là 50%. Nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn. Do đó, ngày 25/3, Chính phủ đã quyết định tạm ngừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu.
"Lúc họp bàn về vấn đề này tôi rất suy nghĩ, không chuyên gia nào dám nói với tôi là vụ đông xuân sẽ được mùa hay mất mùa, rất khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo. Đúng là việc dự báo rất khó khăn", người đứng đầu Chính phủ trùng giọng chia sẻ.
Phía dưới hội trường, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khá trầm tư.
Theo Thủ tướng, việc tạm dừng xuất khẩu gạo là để đảm bảo an ninh lương thực trong trường hợp mất mùa. Ngoài ra, nếu ký hợp đồng ngay lúc đó, có thể doanh nghiệp vét gạo trong nước để xuất khẩu, đẩy giá trong nước, khiến lạm phát tăng thêm.
Ông cũng khẳng định, trong kho dự trữ còn hơn 100.000 tấn lúa, không có chuyện còn 4-5 triệu tấn như có ý kiến nêu. Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo là hợp lý để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh lương thực.
"Tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua dựa trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước và đã cơ bản đạt được các yêu cầu. Đầu tháng 6 khi vụ hè thu và đông xuân có triển vọng tốt, chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu. Đến hết tháng 10, cả nước xuất khẩu 4 triệu tấn và phấn đấu cả năm 4,7 triệu tấn, giá xuất khẩu 600 USD một tấn tương đương Thái Lan", Thủ tướng nói.
"Tôi cảm thông với Thủ tướng vì tình hình lúc đó phức tạp, nếu lúc đó Thủ tướng xuất tiền mua lúa thì nông dân sẽ đỡ thiệt thòi hơn chăng", ông Trần Hồng Việt chất vấn như một gợi ý điều hành.
Thủ tướng cho rằng, khi tạm dừng xuất khẩu, Chính phủ đã thu mua ngay 300.000 tấn gạo. Trong thời gian tới, nông dân sẽ tiếp tục được đình hoãn các khoản vay nợ ngân hàng, được vay vốn sản xuất, ưu ái về vay vốn học tập...
Làm gì để hoạt động dự báo không quan liêu
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết, để nhắc nhở các bộ trưởng và trưởng ngành thực hiện trách nhiệm đã hứa thì Quốc hội sẽ trích dẫn bóc băng ghi âm và gửi tới bộ trưởng cũng như người hỏi để theo dõi, giám sát. Những vấn đề đại biểu hỏi, song chưa được trả lời thì sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp.
Từng phàn nàn về công tác dự báo của Chính phủ, hôm nay các đại biểu Phạm Quốc Anh, Nguyễn Đức Hiền, Huỳnh Thị Hoài Thu đặt lại vấn đề. "Qua trả lời chất vấn thấy rằng các bộ trưởng lúng túng, ảnh hưởng đến chức năng tham mưu cho Thủ tướng. Thủ tướng có biện pháp gì để nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu, đề xuất giải pháp sát hơn, không quan liêu", ông Quốc Anh hỏi.
Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận thực tế có tình trạng bộ máy tham mưu còn lúng túng, có lúc không chính xác, nhưng khẳng định "so với trước đã hơn nhiều". "Trong lãnh đạo điều hành, công tác dự báo kém sẽ gây lúng túng. Chính phủ nhận thức được điều này và qua khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, Chính phủ yêu cầu các bộ tăng cường công tác dự báo", ông Dũng nói.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Hiền rằng có nên giao cho một cơ quan làm đầu mối trong việc dự báo, Thủ tướng trả lời: "Ta đã có Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tổng tham mưu kinh tế, Bộ Kế hoạch làm chưa tốt thì phải cố gắng làm tốt hơn. Bộ này có 2 viện rất lớn. Tôi cho có 3 việc cần phải làm: thể chế, bố trí cán bộ, tạo điều kiện cơ sở vật chất".
Từng nhiều lần chất vấn lãnh đạo Chính phủ, hôm nay, nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi khá sốc: "Với tư cách là nhạc trưởng, khi nhạc công có lỗi nhạc trưởng có nhận trách nhiệm không?".
Thủ tướng đáp: "Là người đứng đầu Chính phủ, khi các thành viên Chính phủ làm chưa tốt, Thủ tướng cũng có phần trách nhiệm. Trong báo cáo Quốc hội, chúng tôi cũng nhìn nhận 7 hạn chế, khuyết điểm. Tư tưởng của Chính phủ là nhìn thẳng vào yếu kém để khắc phục, phấn đấu phục vụ tốt hơn".
Nói bộ máy hành chính "hành dân" là quy kết thiếu thực tiễn
Chất vấn trực tiếp, đại biểu Vũ Hồng Anh đặt câu hỏi, có cần sửa Hiến pháp để Chính phủ thực sự năng động, đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề. "Với cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ có giải pháp gì để nền hành chính thực sự giúp dân, chứ không phải là hành dân, như có ý kiến đã nêu?", đại biểu Hồng Anh đặt thêm câu hỏi.
Theo Thủ tướng, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 thấp hơn cả năm 2008. Xuất khẩu trong nước sẽ gặp khó khăn, đầu tư nước ngoài giảm mạnh, một số dự án có thể bị đình hoãn. Trong tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam đã thấp hơn bình quân 9 tháng là 300 triệu USD.
Năm 2009, Chính phủ chủ trương điều chỉnh giá điện, than, tăng lương tối thiểu. Đây là những yếu tố tăng giá. Do đó, mục tiêu của Chính phủ không để lạm phát tăng trở lại.
Thừa nhận so với yêu cầu mới, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế bộ máy, Thủ tướng cho biết, chuẩn bị đánh giá lại Luật tổ chức Chính phủ, để khi kết thúc nhiệm kỳ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những gì còn bất cập, làm sao Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước thống nhất quản lý lĩnh vực hành chính.
"Cải cách hành chính so với yêu cầu vẫn chưa đạt, chưa phải là khâu đột phá, nhưng công bằng mà nói ta đã có bước tiến dài, gồm cả cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính, tài chính công, đội ngũ bộ máy..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ta nói bộ máy hành chính hành dân là quy kết, áp đặt, không đúng với thực tiễn. Còn một bộ phận nào đó làm chưa đúng thì ta phải tiếp tục kiện toàn, xây dựng", Thủ tướng quyết liệt thể hiện quan điểm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về nạn công chức nhũng nhiễu, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, tiến hành thanh kiểm tra để xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đa số công chức là tốt.
"Chúng ta thử tính xem số cán bộ nhũng nhiễu nhiều hay số lo cho dân là nhiều. Tôi muốn nói có cán bộ nhũng nhiễu nhưng không phải là tất cả. Đại biểu, nhân dân phát hiện ai thì dứt khoát xử lý", ông nói.
Ngành điện không đùn đẩy cho Chính phủ
Đề cập đến chủ đề "nóng" là chủ trương tăng giá điện và việc ngành điện "trả" 13 dự án Chính phủ giao, Thủ tướng dẫn giải, theo Bộ Công thương, lợi nhuận 5% của EVN là mức thấp, ngân hàng sẽ không cho vay và ngành điện phải bù chéo từ khu vực giá cao cho khu vực giá thấp.
Để đạt mục tiêu cung cấp 34.000 MW chiếm 57% dự án điện, EVN cần đầu tư 800.000 tỷ đồng. Chính phủ họp bàn và thấy EVN không đủ vốn, do đó đã tính đến phương án chuyển bớt sang các ngành khác như dầu khí, than.
"Đây không phải ngành điện đùn đẩy Chính phủ. Mời gọi nước ngoài đầu tư vào ngành điện không dễ bởi các nhà đầu tư đòi bán giá điện cao. Trong khi đó, EVN không mua giá điện cao vì phải bán cho dân theo khung của Chính phủ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cân đối để tăng giá điện hợp lý", Thủ tướng nói.
Ngừng giây lát, Thủ tướng tiếp: "Ngành điện độc quyền là do tự nhiên lịch sử. Chúng tôi giao Bộ Công thương xây dựng đề án tách sản xuất và truyền tải phân phối điện. Nhiều nhà đầu tư sản xuất nhưng phân phối, bán điện phải thuộc nhà nước
Hơn 3 tiếng "xin đứng để trả lời", Thủ tướng hoàn tất phần trả lời chất vấn. 16 đại biểu đăng ký tiếp nhưng "vì lý do thời gian", các ý kiến này sẽ được chuyển tới Thủ tướng bằng văn bản.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: "Sẽ tiếp tục đổi mới phiên chất vấn"
Đánh giá 3 ngày hỏi và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng nhìn tổng thể là có chất lượng, đề cập đến những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Không khí trả lời dân chủ, trách nhiệm. Hỏi và trả lời ngắn gọn, có tranh luận, có sự tham gia của nhiều bộ trưởng vào cùng một vấn đề. Chưa bao giờ số câu hỏi nhiều đến thế, hơn 300 chất vấn văn bản và 129 lượt ý kiến tại hội trường.
"Có thể có những điều ta chưa hài lòng, hỏi và trả lời chưa gặp nhau, nhưng rõ ràng người hỏi và trả lời đã có trách nhiệm cao trước nhân dân", ông Trọng đánh giá và khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới phiên chất vấn theo tinh thần đã vạch ra là lựa chọn theo những nhóm vấn đề bức xúc, tập trung tranh luận, giảm báo cáo giải trình.