• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

1001 CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG!!!

Status
Không mở trả lời sau này.

CongVoi

Super V.I.P
Sự nghiệp - Abe, Kobo

Đây là truyện thứ tư trong chùm truyện ngắn Cái kén đỏ của Abe Kobo. Các tác phẩm trước đã đăng trên eVăn là Cái kén đỏ, Lụt lội và Viên phấn phù thủy.

Sự nghiệp
Abe, Kobo

Thánh Plinius 1 đã nói: Chính sự ngẫu nhiên mới đúng là Thượng đế của chúng ta. Tôi là người tin ở Thượng đế này. Sự nghiệp mới đúng là chứng cớ của hành động quy y. Do tinh thần gây dựng sự nghiệp, con người có thể gom góp những mảnh rời rạc của vận mệnh đáng được ca tụng dưới danh Thượng đế của ngẫu nhiên mà làm lại thành một, và có thể chuyển nỗi buồn hằng ngày sang niềm vui. Người gây dựng sự nghiệp là mục sư của nhà thờ đạo ngẫu nhiên. Những người gây dựng sự nghiệp của chúng ta, dưới sự bảo hộ của Thượng đế, rồi một ngày nào đó sẽ đi đến chỗ chi phối toàn thế giới này.

Cho đến bây giờ, tôi tự cho rằng mình là một mục sư khá tài cán. Coi thành công trong sự nghiệp là một bằng chứng của sự trung thành đối với Thượng đế, đây là một thái độ đứng đắn mà một mục sư ngoan đạo cần có, phải không? Như đã biết, sự nghiệp của tôi là “gia công thịt ăn”. Nói gì đi nữa, có lẽ tôi là người đầu tiên đã tìm ra phương pháp lấy thịt chuột làm nguyên liệu và thành công trong việc lập xí nghiệp sản xuất đại trà. Nhất là ở cái xứ nghèo khổ này, đó là một thí nghiệm tuyệt diệu, đáng được ca tụng phải không? Đứng trên lập trường hóa sinh học mà nhìn, chất đạm của chuột là thức ăn thích hợp với con người hơn cả thịt bò, hơn cả thịt heo, và không cần phải nói, hơn cả bất cứ loài cá nào. Không chỉ có vậy, sức sinh sôi nảy nở và sự dễ nuôi của chuột thật đáng ngạc nhiên, do đó việc tạo ra giống mới tốt cũng rất dễ dàng. Chắc anh cũng còn nhớ chứ, chuyện báo chí làm rùm beng mấy ngày trước, chuyện con chuột khổng lồ ở thị trấn T. chạy trốn khỏi chuồng, nó chính là con chuột heo mang số hiệu 82, do phòng nghiên cứu trực thuộc công xưởng của tôi tạo ra. Con này có chiều dài toàn thân đến 44 phân. Hiện nay chuột được nuôi béo bằng hợp chất hóa học xê-tin và phoóc môn tăng trưởng, như con chuột heo mang số hiệu 10 này, đã đạt được độ dài gần 60 phân.

Chuyện đâu mà kỳ cục. Dơ dáy quá chăng...? Dĩ nhiên là không có gì dơ dáy cả. Bằng những thiết bị hiện đại, xúc xích thịt chuột được chế tạo qua một quá trình tăng áp trong nhiệt độ cao, nên không một con vi khuẩn nào còn trụ nổi ở đó được. Đây là chỗ mà hiểu biết chúng ta hãy còn hết sức mù mờ. Những gì nói ra được chỉ là cảm tưởng mà thôi. Nhưng cảm tưởng... cảm tưởng, nói chung nó là cái gì. Tóm gọn trong một câu, đó là những lo lắng nảy sinh từ chỗ thiếu sự hiểu biết. Nếu không nói ra thì hoàn toàn không ai nhận ra được. Nghĩa là, nếu lấy một tờ giấy gọi là bí mật và im lặng mà bịt nội dung xúc xích thịt chuột lại thì nó sẽ vô hại. Dĩ nhiên cũng có thể nói vậy đối với bất cứ chuyện gì, không nhất thiết chỉ ở chuyện xúc xích thịt chuột. Bí mật và im lặng như thế này phải được nghĩ như là một nghĩa vụ, một điều luật của tất cả những người gây dựng sự nghiệp. Xúc xích được hoàn thành và đưa ra làm thực phẩm, thế là đủ rồi phải không? Những gì hơn thế đối với đại chúng chỉ là những hiểu biết không cần thiết, chỉ gây hỗn loạn cho họ một cách vô ích mà thôi. Giả vờ có đạo đức là có đạo đức... đây là câu nói của Thượng đế tôi. Hiện nay mỗi ngày, từ công xưởng tôi có hai ngàn kí lô thịt chuột cung cấp cho thị trường, và càng ngày càng tăng. Hơn nữa chính tôi ngày ba bữa đều dùng nó, có bệnh hoạn gì đâu. Đây không phải là bằng chứng thì là gì?

Nhưng đã có chuyện không lành xảy ra. Một ngày kia xảy ra chuyện một người trong nhóm nuôi chuột ở công xưởng của tôi bị chuột heo tấn công và cắn chết. Điểm đen của mặt trời đã bị biến đổi hay chăng, mà bọn chuột trở nên cuồng bạo lạ thường, chúng phá chuồng và tấn công cả chỗ ở của tôi. May thay, nhờ Thượng đế phù hộ, tôi được bình an vô sự, nhưng vợ con tôi và một vài người giúp việc đã mắc phải răng nanh của bọn chuột. Vì việc đó nên hôm trước đã có giấy báo tử đến, như anh biết đó. Như đã linh cảm được một cái gì, tôi nghĩ ngợi lung lắm. Có kẻ tung tin rằng đó là trời phạt, nhưng đây chỉ là những phần tử bất bình lợi dụng vận rủi của tôi để bày chuyện nói xấu tôi. Làm gì có chuyện trời phạt, ngược lại tôi vui mừng vì có dịp nhìn thấu chân tướng những kẻ có bẩm tính rình mò này và lập tức đuổi việc ngay. Đây là ý tưởng bẩn thỉu xa xôi không có liên quan gì đến lập trường của một mục sư. Tôi đã sống vài ngày trong trầm tư mặc tưởng, không còn bị ai làm lạc lối. Trầm tư mặc tưởng sẽ đem lại cho mình cái gì, điều đó đúng như điều mọi người dự tưởng. Rốt cuộc, tôi đã phát hiện rằng đó nào phải do trời phạt, mà chính là một chỉ giáo lớn lao của Thượng đế.

Tôi mạnh khỏe ra ngay, và trở lại là con người linh hoạt vốn có ở người gây dựng sự nghiệp. Trước hết tôi ra lệnh cho một kỹ sư tâm phúc lấy tử thi của sáu người đang nằm trong quan tài - kể cả vợ tôi - ra làm xúc xích. Buổi ăn thử có mời đại diện của nhiều giới đã thành công đúng như dự định. Tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ năm hãng buôn lớn. Đặc biệt, có cả chuyện một phu nhân sành ăn, vợ của một vị bộ trưởng nổi tiếng nọ, đã lên tiếng muốn có nó cho bằng được để tặng chồng mình. (Dĩ nhiên bà ta không biết gì về nguyên liệu của xúc xích, không, không chỉ có phu nhân, những người cùng ăn cũng chẳng ai biết). Nhưng chuyện này không gây ra bất cứ trở ngại nào. Như tôi đã nói đi nói lại mãi, giả vờ có đạo đức là có đạo đức vậy.

Thế thì, một người khôn ngoan như anh, chắc đã để ý biết sự nghiệp mới của tôi là công việc như thế nào rồi. Đúng, đúng như thế, nói gọn lại, tôi đã đổi nguồn đạm từ thịt chuột sang thịt người, một loại thịt phong phú, dễ lấy hơn, lại còn ngon miệng hơn một bậc. Vì lẽ đó bây giờ đây, tôi đã phải tự xưng mình là tổng giám mục, người được đặc biệt lựa chọn. Làm sao có một sự nghiệp nào đại quy mô (trái đất là công xưởng), và có tính hợp lý (bây giờ đây, thế giới đang đau khổ vì quá nhiều người) bằng sự nghiệp này.

Tôi đã nhanh nhẹn xin phép bộ trưởng quản hạt đưa tất cả những xác chết trong nước ta qua công xưởng của tôi trước khi đi sở hỏa táng, và được cho phép sau một vài điều kiện về tiền bạc. Lúc đó có một chuyện hơi bực mình. Với tính cách là đề nghị cá nhân, ông ta đòi tôi đánh dấu thật rõ trên những sản phẩm của công xưởng tôi sao cho dễ thấy. Tôi đã thấy rõ chủ tâm của ông ta, dẫu có lầm đi nữa ông ta nhất định không muốn để xúc xích thịt người của tôi vào miệng ông ta. Nhưng tôi đã nén giận. Bộ trưởng đằng nào cũng chỉ là đầy tớ của những người gây dựng sự nghiệp. Thật là một thằng đáng tội nghiệp, thôi để ý làm chi, bỏ qua.
 

CongVoi

Super V.I.P
Mặt khác, anh có nghĩ sự nghiệp mới này là phản đạo đức không? Tôi tin anh không nghĩ thế, nhưng để được chắc chắn hơn, tôi xin được nói thêm một điều... một cách tổng quát, ngoài những đạo đức tuân theo luật của Thượng đế ngẫu nhiên, không thể có một đạo đức nào khác. Con người ở dưới Thượng đế, bẩm sinh là một con vật yếu đuối, đáng bị tước đoạt. Cho nên tước đoạt từ con người là đúng theo ý chí của Thượng đế, đứng về phía Thượng đế, và hoàn toàn không có gì là phản bội đồng bào của mình. Vì con người dẫu bị tước đoạt cũng không mảy may thay đổi, ngược lại còn chắc chắn giữ được trạng thái tự nhiên của mình. Hơn nữa, trong trường hợp này, vật bị tước đoạt là linh hồn, đấy chẳng qua chỉ là một không tưởng có tính cách chủ quan, không có chút giá trị nào. Không phải chỉ vậy thôi; từ xưa đến nay, tử thi chính là vật chất đáng bị thần thánh tước đoạt mà không phải trả một xu nào, song khi qua bàn tay chúng tôi lại sinh ra được tiền, cho nên sự nghiệp này không những không phản đạo đức, mà còn có thể nói, chính nó là một sự nghiệp xã hội. Song song với việc đó, do những vận động của tôi, phá thai tự do đã được pháp luật công nhận, điều này không những đã làm tăng khoái lạc cho nam nữ, mà còn có thể sinh ra những lợi ích tiền bạc từ đó, điều này đã tạo ra những biến đổi có tính cách mạng trong đạo đức tình dục. Ngoài ra cũng cần phải nói đến công lao đã cung cấp được một món ăn lạ nhất đời cho những người sành ăn, món ăn gia công từ những bào thai.

Nhập đề thật dài dòng, thôi, đã đến lúc phải vô phần chính chứ. Sau đó sự nghiệp mới mẻ này của tôi đã phát triển rộng đến độ kinh ngạc, rốt cuộc xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu. Vì thế, bất đắc dĩ tôi phải mở rộng phạm vi bắt lấy nguyên liệu. Thực ra tôi muốn dời chân anh đến đây cũng là vì chuyện đó.

Nói là mở rộng phạm vi bắt lấy nguyên liệu, đến chỗ này thì chỉ còn một cách là lấy những người còn sống làm nguồn đạm; không cần phải dùng đến chữ “giết người”... dễ gây hiểu lầm, anh chắc sẽ nhìn nhận ngay rằng ngoài cách này không còn cách nào khác nữa. Đây có phải là cách suy nghĩ thấp kém của một mình tôi không, khi tôi mong muốn anh - một tiểu thuyết gia trinh thám có tài, một người có học triết, có tinh thần hợp lý, biết cân nhắc kỹ lưỡng - đảm nhận một lãnh vực khó khăn nhất nhưng cũng đầy thích thú trong sự nghiệp này. Không, tôi đã nghe trước tiếng trả lời có lẽ là tức khắc đó của anh.

Tập quán ăn lẫn nhau đã biến mất trong lịch sử nhân loại, nhưng tập quán này không những không có gì là ác, mà lại thuộc vào một loại nghi thức cao cả hợp với quy tắc thiên nhiên. Trước kia chúng ta cũng đã thảo luận về điều đó rồi. Có lẽ anh vẫn còn nhớ đấy chứ. Kết luận của chúng tôi như thế này. Những hiền nhân xưa nay hầu như công nhận việc ăn lẫn nhau là một đức tính. Việc ăn thịt con đực của con ngựa trời đã đưa sự giao hợp từ chỗ chỉ là một lãng phí của sự sống đến chỗ trang nghiêm duy nhất là cái chết, việc chó sói hay chuột ăn thịt nhau có nguồn gốc từ những lo âu đầy tình cảm, quyết không để đồng bạn phải chịu khổ sở hơn nữa, hoặc từ bản tính giữ gìn sạch sẽ, không muốn để tử thi thúi rục làm bẩn trái đất, và do tinh thần hợp lý muốn điều chỉnh số miệng ăn cho thích hợp. Cũng vậy, hành vi của giống người ăn thịt lẫn nhau là một biểu hiện cho ước muốn muốn được kết hợp và lòng thương yêu và kính trọng hầu như có tính cách tôn giáo đối với đối phương. Nhưng, hơn tất cả mọi thứ, một điều không thể lay chuyển được là lời dạy của đấng Ki-tô rằng nếu mục đích trực tiếp của việc giết sinh vật là để ăn, trường hợp đó không có tội. Theo lời dạy đó thì rốt cuộc việc giết người, nếu không phải là một thủ đoạn, mà vì động cơ muốn ăn, sẽ được nhìn nhận là không có tội. Dĩ nhiên người ta nghĩ rằng đó chỉ là một lối khẳng định có tính cách tiêu cực, khó mà nói đó là đức tính gì cả. Nhưng đấy là theo những qui luật nghiêm khắc nhất của tôn giáo. Còn mặt khác, theo quy luật thiên nhiên, những quy luật có tính cách tổng quát của con người, giết người do tự vệ được nhìn nhận là chính đáng, ngay cả chiến tranh cũng được thừa nhận là giữ lành mạnh cho tinh thần phải không? Ở đây, giết người vì muốn ăn thì đúng là chính nghĩa, và phải được xem là một đức tính. Thượng đế ngẫu nhiên đã hết sức khôn khéo dạy chúng ta như thế. Theo tinh thần hợp lý, chính nghĩa lúc nào cũng đứng về phía kẻ tước đoạt.

Tôi dự định đệ đơn lên bộ trưởng trong một ngày gần đây, xin hợp pháp hóa việc giết người với mục đích dùng làm thức ăn. Nội dung cụ thể là, tôi đã chuẩn bị xong đề án của mình, đặc biệt là cách giết người. Tham khảo cách mổ heo ở những công xưởng Mỹ trong những ngày gần đây, tôi đã phát hiện ra một phương pháp không cần phải dùng tay của bất cứ ai; từ những vận chuyển tự động của máy móc, một người đang sống sẽ biến thành xúc xích khi ra khỏi máy. Đây là một phát hiện đầy ý nghĩa phải không? Thứ nhất, vừa có năng suất, có lẽ lại còn có tính nhân đạo nữa. Mặc khác, việc máy móc hóa sức người cho phép tăng số người dùng làm nguyên liệu, thật là hay. Tôi đã đặt tên cho cái máy này là Utopia. 2 Trước cửa vào máy, tôi để một tấm bảng có đề tên Utopia, trang trí đẹp đẽ, rồi quảng cáo rùm beng lên, với ý định quyến rũ những kẻ mong ước Utopia, nghĩa là những kẻ chẳng có một giá trị gì ngoài việc được dùng làm thức ăn, tự động dẫn mình đến. Trong đó vấn đề quảng cáo là quan trọng nhất. Vì vậy cần phải động viên các triết gia toàn quốc. Việc trang trí cần mọi nhà tâm lý học, mọi nhà mỹ thuật. Về điểm này, tôi đặt hết hy vọng lên tài năng to lớn của anh, sớm muộn gì anh cũng sẽ trở thành người tổng chỉ huy công việc đó.

Ngoài ra, không phải không có những ý kiến cho rằng cần phải có chút đỉnh tiền thưởng cho những người muốn vào Utopia, cho nên có lẽ cần phải phong bế trước không để những dư luận phàm tục này xảy ra. Không những chẳng đưa ra một xu nào, mà ngược lại cần phải tước đoạt nhiều hơn nữa. Ngược lại, cần lấy một số tiền vào cửa tương ứng với Utopia. Việc này không những đem lại cho chúng ta hai lần lợi nhuận, mà còn kích thích tâm lý ham muốn của những người muốn vào. Chúng ta kêu gọi như thế này... Đây, Utopia! Còn chờ gì nữa. Hả? Không có tiền hả? Đến đây làm ra tiền đi chứ. Cứ làm người bán xúc xích cho tôi đi. Khổ cực đáng giá lắm. Hãy cố gắng trong vài tháng, sẽ được bảo đảm suốt đời. Utopia này không phải là chuyện nhất thời. Vào rồi cho đến hết, nếu vẫn còn sống, dẫu có chuyện gì đi nữa cũng không cần phải ra... Dĩ nhiên khi ra thì sẽ thành xúc xích đó nghe.

Thôi, hơi lạc đề rồi. Không cần phải nói nữa, một cách cụ thể, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải làm. Trước khi làm đơn xin phép, tôi mong có tức khắc những trợ giúp và khuyên bảo khôn khéo của anh về những điểm đó. Mong anh sớm đến với chúng tôi. Hết lòng hoan nghênh anh. Trong thực đơn ngày hôm đó đặc biệt có thêm món bơ và rau thơm dồn bụng, món thịt quay nguyên một bào thai sáu tháng ngâm mật (vừa đến thời kỳ ăn được, nhất là xương sụn dòn, ngon nhất). Xin hân hạnh được gởi lời mời đến anh.

Lê Ngọc Thảo dịch từ nguyên tác tiếng Nhật
 

CongVoi

Super V.I.P
Kẻ móc túi - Cook, Christopher

Lời giới thiệu của dịch giả: Sinh năm 1959, lớn lên tại Texas, từng sống một thời gian ở Pháp và Mexico. Hiện sống tại Prague, CH Czech. Ông đã có một thời là phóng viên cho nhật báo tại các tiểu bang miền nam nước Mỹ, hoạt động nghiệp đoàn, làm trong một nhóm nghiên cứu nhưng đều không vừa lòng. Truyện ngắn Kẻ móc túi viết khi ông sống ở Paris và bị các tạp chí Mỹ từ chối in, nhưng được giải nhất trong cuộc thi viết văn của đại học Sorbonne và Transcontinental Paris năm 1995.

Kẻ móc túi (The Pickpocket) trích trong The Best American Mystery Stories 2003, do Michael Connelly tuyển chọn và giới thiệu, nhà xuất bản Houghton Mifflin phát hành năm 2003 tại Boston.



Kẻ móc túi
Cook, Christopher

Tên tôi là Christian Richelieu. Nhìn chung là cái tên tốt, nổi tiếng cả họ lẫn tên, dù cả hai chẳng ảnh hưởng đáng kể gì đối với đời tôi.

Tôi không nói mình không tin Đấng cứu thế. Khái niệm Chúa cứu thế cứu vớt chúng ta khỏi cô đơn và thất vọng khiến tôi thích thú, nếu không nói là thương hại. Nhưng nhìn vẻ cầu khẩn thành thật hằn trên các bộ mặt lo lắng ngoài phố, tôi không cười.

Ông hồng y ít ra là dân Pháp như tôi, và là một chính trị gia và người thực tế, ông tìm niềm an ủi trong đời này chứ không đợi. Có lẽ ông ta tìm thấy. Biết đâu đấy? Dù vậy, trước tiên ông là một nhà đạo đức lớn, rồi là một kẻ có tội không mệt mỏi, khác với tôi.

*

Tôi là kẻ móc túi từ nhỏ, lúc được Moses Marchant truyền nghề. Là dân Algiers, Moses hồi đó đã xế chiều. Ông là dân ở lậu còng lưng, di cư sang Paris ngay sau chiến tranh, sống trong cùng tòa nhà đổ nát với cha mẹ tôi gần Place d’Italie. Ông có mùi hoắc hương, ợ mùi tỏi và hút ống vố đất hôi rình. Ông lẩm bẩm luôn miệng.

Moses sống ở tầng trên. Tôi thường nhìn ông trong thang lầu, vừa lê chân lên các bậc thang giữa đám khói thuốc vừa lầm bầm cả hai thứ tiếng Ả Rập và Pháp không ai hiểu nổi. Cha mẹ tôi còn trẻ và ông bà tôi đã mất, vì thế Moses là hình ảnh lụ khụ của tuổi già, khó hiểu đối với tuổi trẻ. Dù trong nhà hay ngoài ngõ, ông luôn đội cái mũ đuôi seo rách rưới đỏ tía.

Năm tôi mười lăm hay mười sáu, Moses chú ý tới tôi. Bệnh đục mắt làm hỏng thị giác ông, lại thêm khập khiễng vì chứng phong thấp khiến ông phải bỏ nghề, nhưng ông là người thầy giỏi, rất chu đáo và khắt khe. Đôi khi, nếu tôi tỏ vẻ chỉ trích cách cư xử của thiên hạ dạo này, đó là vì Moses đã dạy tôi rằng niềm hãnh diện nghề nghiệp sẽ mang lại kết quả trong một thế giới bị cả Chúa lẫn loài người từ bỏ. Ông giảng giáo lý đó không chán, và tôi chưa bao giờ thấy lý do nào để bất đồng ý kiến với ông.

Hồi đó dân trong nghề bọn tôi tôn trọng nghề nghiệp của mình. Theo tiếng lóng, chúng tôi tự xưng là voleurs à la tire, nghĩa là “bọn xoáy”. Gặp nhau ngoài đường, chúng tôi lặng lẽ nghiêng đầu chào nhau. Chúng tôi lịch sự. Hồi đó thế giới văn minh chưa bắt đầu xuống dốc. Ngay cả một tay móc túi cũng hãnh diện với nghề nghiệp của mình. Hắn đạt được tài năng qua gian khổ. Nó đòi hỏi kỷ luật bản thân. Nhập môn có giá của nó, và đòi hỏi tận tụy. Thành thật mà nói, chúng tôi coi nghề mình là một nghệ thuật.

Thoạt đầu, Moses bắt tôi thực tập trong căn chung cư của ông. Ngày qua ngày, tôi trốn trường, học bí quyết trên một hình nộm làm bằng bộ vía cũ nhồi chăn. Rồi Moses lôi ra cái áo hút thuốc nhung đỏ tôi chưa từng thấy - nó có mùi mốc và long não - và tôi thực tập trên ông. Việc cứ lặp đi lặp lại, rất khắt khe. Moses rất khắt khe và tát tai tôi mỗi khi tôi lơ đãng. Ông chửi:

- Phải học cách tập trung! Ai điều khiển được đầu mình sẽ làm chủ số mạng mình.

Hiển nhiên điều này khó. Đầu óc một đứa mới lớn như ngựa hoang. Nhưng tôi cố và với thời gian tai tôi bớt nhạy cảm. Ý nghĩ làm chủ số mạng mình lôi cuốn tôi. Ngay cả lúc này, sau suốt bằng ấy năm, nó vẫn còn hấp dẫn.

Sau sáu tháng, Moses bắt đầu cho tôi thực tập ngoài công chúng. Ông bảo tôi móc túi ông ở Métro, trong chợ, tại góc đường. Cuối cùng ông cho phép móc thật. Ông gọi đó là lễ thử lửa đầu tiên.

Tôi móc ví một gã to xác vụng về ở ga St. Lazare trong giờ cao điểm. Gã chạy vội tới xe lửa, Moses bước chắn trước mặt. Gã trượt ngã, chửi bới. Tôi giúp gã đứng lên, gã giận dữ đẩy tôi ra. Trong cầu tiêu tôi mở ví thấy sáu trăm franc, tấm hình mờ của vợ gã, số điện thoại mấy cô điếm liệt kê cùng với giá cả, và một bao cao su. Tôi giữ hết, ngoại trừ cái ví và tấm hình, dù vợ gã coi không tới nỗi tệ với lọn tóc vàng và nụ cười buồn.

Chuyện đó lâu rồi. Tháng sau tôi tròn sáu mươi ba tuổi. Công việc đòi hỏi nhiều, nhưng không làm ta kiệt quệ như lao động thể xác hay trò đấu đá trong văn phòng. Tôi có thể về hưu bây giờ nếu muốn. Tôi thận trọng chuyện tiền bạc, chắc chắn là cẩn thận hơn kẻ khác.

Kể chuyện đời tôi sẽ dài lắm. Vả lại, phần lớn nhàm chán, cũng giống đời bất cứ ai. Tôi lập gia đình, nhưng chúng tôi cãi nhau và ly dị. Hai con tôi giờ đã lớn. Chúng có cuộc sống bình thường, tôi vẫn gặp chúng, nhưng chúng có những nỗi lo riêng. Tôi sống trong chung cư. Tôi đã bị phản bội trong tình trường và cũng có cư xử tệ. Tôi khá ích kỷ. Tôi nghỉ hè ở bờ biển, giữ cho không mập, ăn cá thay vì thịt, và tập thể dục bằng cách đi bộ trong Vườn Luxembourg. Sức nặng gây khó chịu và lưng dưới tôi đau. Tuyến tiền liệt có vấn đề, với tuổi tôi chuyện này chả có gì lạ. Tôi sống một mình nhưng có con nhân tình hay càu nhàu và vài bạn thân. Tôi thích rượu vang ngon và âm nhạc. Tôi sống một đời lặng lẽ. Tôi không trông đợi nhiều ở người khác và không thất vọng. Vì thế, như tôi đã nói, đó là một cuộc sống bình thường trong hầu hết mọi lãnh vực.

Đáng chú ý là công việc - công việc của tôi. Hiển nhiên nó có vẻ lãng mạn riêng. Không cấp trên, không giờ giấc nhất định. Nhiều thời giờ suy nghĩ hay mơ mộng. Sống bằng tài nghệ của mình là một thử thách thật sự. Dù vậy, nó vẫn là công việc. Trong nghề tôi, sinh kế của tôi, đầy những đòi hỏi như mọi nghề khác. Tôi không cho phép mình quên điều đó. Kẻ nào quên, trở nên lười biếng, hành nghề theo thói quen, sẽ vào tù. Hắn trở thành nạn nhân của chính mình.

Dù vậy, sinh kế của tôi làm thiên hạ tò mò. Họ muốn biết chi tiết, càng lạ càng hay. Tôi có nghe những nạn nhân bị móc túi khoe chuyện xui xẻo của họ để thấy khoái lây. Nhưng cũng như mọi nghề, các biến cố đặc biệt xảy ra không nhiều. Giữa các biến cố đặc biệt là khoảng thời gian dài tạm lắng, thậm chí đơn điệu.

Làm sao tả nghề nghiệp của tôi một cách vô tư? Có lẽ kể lại ba tình tiết tôi thích nhớ thì dễ hơn. Mỗi tình tiết, bằng một cách riêng, miêu tả đúng việc tôi làm hơn bất cứ điều gì khác tôi có thể kể.

*

Tình tiết đầu tiên liên quan tới những thứ thiên hạ mang theo. Phần lớn tôi thấy trong ví có mấy thứ thông thường: thẻ tín dụng, hình ảnh, cuống vé, hóa đơn. Nếu đó là tiêu chuẩn đánh giá thì đời sống trung bình khá dung tục, thậm chí tầm thường hơn cả cuộc đời tôi. Chả trách nhiều người thấy hiếu động! Cái túi cũng chứa vô số thứ tôi chẳng bao giờ lấy - thông hành, bật lửa, viết máy. Giá làm kẻ trộm thì chắc tôi đã thành triệu phú. Thiên hạ bất cẩn với chìa khóa một cách đáng ngạc nhiên.

Nhưng thỉnh thoảng có thứ làm tôi bất ngờ. Trong cái ví ở ga Lyon mới tuần rồi tôi thấy một gói ma túy nhỏ. Một lần ở Musée Picasso tôi sửng sốt thấy mình đã móc thẻ nhân viên của mật vụ FBI. Hắn đi chung với nhóm du khách Mỹ. Tôi lập tức rời viện bảo tàng, nghe đủ thứ chuyện để tránh xa tụi cao bồi đó. Lần khác trên thang cuốn ở Les Halles tôi thò vào một cái túi thấy khẩu súng. Lại chuồn đúng lúc. Tôi biết tính toán rủi ro chứ. Bạo động thì tôi không thích.
 

CongVoi

Super V.I.P
Chị tôi - Phương Trang Linh

Chị tôi
Phương Trang Linh
Trước hết thành thật xin lỗi nhạc sĩ Trọng Đài và nhà thơ Đoàn Thị Tảo - cha mẹ đẻ của bài hát Chị tôi nổi tiếng. Tôi cũng viết về chị tôi, người chị mà tôi vô cùng yêu quý.

Chị tôi chưa đến nỗi như người phụ nữ trong bài hát "Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan" - nhưng chị hy sinh cho tôi quá nhiều mặc dù đứa em gái của chị - là tôi - không đáng được hưởng đến thế. Song cái "Tình riêng bỏ chợ tình chị em đa đoan" của chị đáng là bài học lớn không chỉ cho riêng tôi, mà còn cho nhiều người khác nữa. Vì lẽ đó nên tôi mượn cái tên bài hát của nhạc sĩ đặt tên cho truyện ngắn này: Chị Tôi

Chị tôi giờ sống với con gái năm tuổi, nhỏ bé, dễ thương, xinh xắn, có đôi mắt buồn thăm thẳm. Anh rể tôi đã chia tay với chị. Hãy khoan nói đến sự "tan đàn xẻ nghé" của họ mà tôi cũng đóng góp một phần. Anh là người có nhân cách, dĩ nhiên anh không chịu nổi cái "giải pháp tình huống" mà chị em tôi tiến hành, cái bẫy "thân xác" mà chị em tôi giăng ra để bẫy một con mồi nặng ngót một tạ. Con mồi đó chính là chồng tôi bây giờ, bởi lẽ nếu tôi không kịp "lấy chồng" tôi phải rời nước Đức, visa nhập cảnh của tôi đã hết.

Đêm giao thừa, tôi cùng "chồng" đến thăm và đón năm mới tại nhà chị. Xin các bạn đừng vội thắc mắc tại sao tôi lại để chữ chồng trong ngoặc kép. Cuộc sống của cộng đồng Việt Nam ta bên này nhiều nỗi truân chuyên lắm, cùng dòng giống con rồng cháu tiên, cùng tập quán văn hóa, cùng nhớ đến xót xa chùm khế ngọt, cùng thích lòng lợn tiết canh và còn bao nhiêu thứ "cùng" khác... Nhưng xem ra vẫn chưa đủ làm chất kết dính cho cuộc sống vợ chồng, thành ra cuộc sống vợ chồng cứ chênh vênh như trứng để đầu gậy, huống hồ là ông chồng hộ chiếu mắt xanh mũi lõ mà tôi vừa "tậu" được này, sớm nở tối tàn biết thế nào mà lường. Theo tôi cái khái niệm vợ chồng bên này nó xa xỉ lắm, xin các bạn đừng hắt hủi, xem thường, mà hãy luôn nâng niu chăm bón để nó mãi xanh tươi.

Tôi cũng là phụ nữ bỏ chồng, có một cháu gái xấp xỉ cháu gái tôi nên tôi cũng ngấm cái nỗi đau của chị tôi. Tuy nhiên cái nỗi đau của tôi còn xa mới sánh kịp nỗi đau của chị, bởi ông chồng cũ người Việt của tôi kém văn hóa và vũ phu lắm, sự chia tay với hắn làm tôi nhẹ cả người. Hắn là thủy thủ đường sông, môi trường sông nước cộng với tính man dại bẩm sinh đã biến hắn thành kẻ thô bạo nhất trên đời. Mỗi tuần vài ba trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay đối với tôi là chuyện cơm bữa, đi thì chớ chứ về đến nhà là bài bạc, hút xách. Đã có lần vì thua bạc hắn nhẫn tâm gán tôi cho một con bạc già khú, khô đét, trong người dễ chứa đến mấy tỷ con virus HIV. May mà tôi chạy thoát được. Chúng tôi ly dị. Lạy giời, tôi thoát nợ. Và với sự giúp đỡ vô bờ bến của chị, tôi vù sang đây.

***

Trời mỗi lúc một lạnh, khung cửa sổ mọi nhà đều trang hoàng đẹp đẽ: đèn nháy, cây thông Noel, hình các con thú hươu, nai... rất vui mắt. Nhà chị trống trơn, không đèn, không hoa, ngay cả một số chi tiết trang trí tối thiểu của một gia đình có trẻ con cũng không. Chưa bao giờ tôi cảm nhận hết ý nghĩa câu Kiều của cụ Nguyễn Du bằng lúc này: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

Có lẽ vì buồn nên chị tôi chẳng thiết trang hoàng, sắm sửa cho lễ đón năm mới này.

Kém 5 phút thì giao thừa, chúng tôi xuống đường. Chỉ có 4 người, vợ chồng tôi và mẹ con chị. Đường phố đã đông đúc, mọi người ăn mặc ấm và đẹp, trẻ con chạy lăng xăng quanh cha mẹ. Chúng đốt những quả pháo hoa bắn tung tóe nom rất đẹp mắt, miệng không ngớt gọi: "mama, papa nhìn này". Chai lọ rỗng để chuẩn bị cắm pháo thăng thiên đã xếp thành hàng giống như những quả tên lửa đang nằm trên bệ phóng. Quả thực không khí đúng là vui như tết. Chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình như họ. Song với một thái độ hết sức khiên cưỡng, chiếu lệ, chị tôi vẫn không giấu nổi nỗi buồn, con bé con cũng không có được sự linh hoạt như những đứa trẻ con khác, mà lẽ ra lúc này cháu phải có. Tôi đọc được câu hỏi trong mắt cháu: "Papa ở đâu".

Đúng giao thừa, tiếng pháo nổ ròn rã, tiếng xoèn xoẹt của pháo thăng thiên vút lên trời, mọi người bắt tay chúc mừng nhau. Ông chồng vô tâm của tôi bất chấp tất cả, cứ ghì chặt lấy tôi nghiến ngấu, hai cánh tay cứng như hai gọng kìm. Cái khối lượng cả trăm cân ấy cứ dúi mãi vào người tôi khiến tôi nghẹt thở. Nhìn thần sắc của y lúc này, tôi biết y chỉ mong muốn những phút năm mới chết tiệt này chóng qua đi để lôi tuột tôi... về nhà. Chị tôi vẫn thẫn thờ với cây nến trong tay, chưa đốt một quả pháo thăng thiên nào. Nhìn những quả pháo bằng chiếc đèn pin, khi vút lên trời chúng vỡ tỏa ra tứ phía muôn ngàn ánh sáng xanh đỏ tím vàng, chị sợ nỗi buồn của mình cũng vỡ òa ra như thế. Chị tôi khẽ thở dài.

0 giờ 30, thiên hạ lục tục kéo nhau vào nhà. Chồng tôi thở phào, chào chị và kéo tôi ra xe. Tôi kiên quyết chống lại và bắt y phải quay lại nhà chị. Nhìn gương mặt méo mó đến thảm hại của y, chị tôi lại lặng lẽ thở dài. Chúng tôi mở chai sâm banh rót ra ba cốc. Lúc này không biết do buồn hay buồn ngủ, cháu bé đã lên giường. Chúng tôi chúc nhau... hạnh phúc. Chị uống nhỏ nhẹ, nhấm nháp chất cay cay, bềnh bồng của rượu ngon, muốn thả mình vào cái lãng đãng, cái vô biên của hư vô để quên đi cái cay đắng, cái nhọc nhằn của kiếp người, hơn thế nữa kiếp người xa xứ. Nhìn căn phòng của chị, tivi, dàn nghe nhạc, dàn vi tính... chúng cứ lạnh lẽo thế nào ấy. Chưa có người đàn ông lý tưởng nào đến thổi cho chúng một bầu sinh khí. Họ đâu cả rồi? Hàng ngày, họ xoay quanh chị tôi như những vệ tinh địa tĩnh. Giờ này họ cũng yên vị với cái gọi là "tổ ấm" của họ, mặc dù cái sự "chồng vợ" của họ chưa chắc đã hơn gì tôi, chị tôi, bởi rõ ràng hàng ngày họ ve vãn chị tôi, và cả tôi nữa, khi có dịp. Cứ nghĩ đến cái đoạn này là tôi lộn tiết, muốn vả vỡ những cái mặt nhăn nhở của họ. Hàng ngày cái đoạn "hậu gia đình" của chị luôn nhộn nhịp. Chị tôi mới 35 tuổi, trông còn mặn mà lắm. Hơn nữa, ở cái môi trường khan hiếm phụ nữ này, chị tôi trở thành của hiếm. Nhưng giời ạ, bi kịch lại bắt đầu từ đó mà ra.

Thấy chị nom còn khả dĩ, họ bâu lại, họ giấu vợ mà đến với chị. Đủ loại sắc tộc, con cháu rồng tiên có, mắt xanh mũi lõ có. Lại cả những anh chàng lạ hoắc tận xứ sở của "Ali baba và 40 tên cướp". Họ ga lăng lắm, tế nhị lắm, họ mang đầu video đến "thu nhờ em cuốn phim rồi... để quên. Có anh chàng đồng hương, sau khi cửa mở là lao vào nhà, lôi cái điện thoại di động mới cứng trong hộp ra, lắp ráp, đưa cho chị, giọng tỉnh queo, cái giọng coi khinh vật chất nhất trên đời:

- Em thử xem, anh vừa tạt qua Rhin 100 (trung tâm buôn bán của người VN) mua được cái này, rẻ thối, có vài chục.

Rồi cũng như mọi lần, anh ta "bỏ quên". Chị tôi nhìn những thứ đồ "bỏ quên" ấy. Chúng có một thứ "ma lực" kỳ lạ, khiến cái chất dửng dưng của chị tan ra. Chị biết tỏng, chị chán ngắt các câu ong bướm, chị cười mũi vào mấy câu pha trò vô duyên, nhưng chị lại chịu không nổi cái lực "vạn vật hấp dẫn" của các vật mà họ mang đến. Nó có "hồn" hơn những câu bờm xơm rẻ tiền của họ. Những thứ họ mang đến cho chị có kích cỡ, nội dung khác nhau. Nhưng những người mang tới thì giống nhau ở một điểm: họ cần ở chị một thứ, thứ đó tôi cũng có, những người phụ nữ khác cũng có. Tuy nhiên, tuỳ theo giá trị của người mang nó, mà nó có giá trị lớn hay bé, đắt hay rẻ. Tôi thương chị quá, là một phụ nữ bình thường, ngoài mấy thứ vật chất cụ thể kia ra, chị cũng cần một sự bình lặng trong tâm hồn, một sự cân bằng trong thân xác. Nên chị cứ lạc từ "mê hồn trận" này tới "mê hồn trận" khác, cứ mụ mị cả người mà không tìm thấy lối ra. Rốt cuộc chị cũng chỉ là một phụ nữ yếu đuối, một cánh bèo, một đám mây trôi nổi, một con thuyền không bến. Cái bến bờ xa tít tắp, tù mù ơi, mi ở đâu?

Anh rể tôi ơi, giờ anh ở đâu? Có lẽ anh cũng chán ngắt mấy sự nham nhở cùng những ngôn ngữ nhảm nhí mà anh dùng để ve vãn những người phụ nữ như chị. Bằng chính kinh nghiệm của bản thân, chất xót xa đến quặn thắt, và ánh mắt u buồn của cháu bé, tôi muốn thay chị gào lên: "Bến cũ của chị tôi ơi, xin anh hãy trở về".
 

CongVoi

Super V.I.P
Chia tay. Chia tay.

Tháng năm, châu chấu hát khắp đồi. Những bông hoa dại ù mình như muốn chờ nở bung cùng mùa phượng mới. Em quay cuồng, em đau đớn, em thắp nến đưa tiễn cuộc tình đầu. Sân ga mới toanh, em đón chuyến tàu đầu tiên anh ngang qua thời thiếu nữ. Rồi lặng lẽ, tàu đi mãi mãi chẳng quay về. Còn em? Nước mắt khô hốc cuộn tròn trong trái tim chai sạn vì mong đợi.

Mùa hạ rồi. Chia tay anh. Anh Khắc Hạ.

Hai cây nến trắng. Cho em và cho anh. Ðám tang cuộc tình chỉ có mình em và giun dế hát. Lửa hạ nhu nhú ở góc trời, chưa bật ra để đốt cháy tim em. Ve con đã bắt đầu thử giọng.

Hai cây nến quầng lên một vệt sáng. Em nhớ ngày ta quen nhau.

Chào anh – gia sư của em. Những bài toán dỗi hờn không bao giờ em giải nổi. Còn anh, nghiêm nghị, lạnh lùng. Thế mà có ai biết đâu, lòng anh nổi từng đợt sóng, lòng anh rạo rực như cành phượng đầu mùa anh hái tặng em. Con bướm phượng còn nguyên sơ trong trang vở - nơi bài em đang học dang dở: Ðịnh luật Newton. Em nhớ khi anh dạy đến đây, anh cười: “... Còn tình yêu không có định luật”. Con bé mười bảy tuổi ngô nghê – em chỉ biết nhoẻn miệng cười. Kỷ niệm vụt ngang qua nỗi nhớ, dâng dâng, mênh mênh. Mười bảy tuổi, mẹ ơi, khi chiều anh dạy con, vô tình lật vở, ngón tay anh chạm phải bàn tay con rất nhẹ, rất mơ, con đỏ rần mặt, đỏ cả cánh tay. Anh vội vàng xin lỗi. Có sao không hở mẹ? Mười bảy tuổi, vầng trăng cổ tích của em chứa hình dáng một người dưng, là anh.

Hai cây nến quầng lên một vệt sáng. Em nhớ ngày ta yêu nhau.

Chào anh - người đầu tiên chắp cánh bay vào tim em. Em nhớ, ngày đó, em đứng ở “bậc cửa tình yêu”, e thẹn cúi đầu chào anh. Anh dắt tay em vào vùng Ðất Mơ – anh đặt tên cho miền đất tình yêu như vậy. Ðó là một ngày tháng năm ve ve khản cổ hát bài tình ca. Phượng lách tách những chùm nụ để nhô ra một màu đỏ nguyên sơ và nồng nàn. Ngọn đồi đầy cỏ hoa lau trắng và tách cà phê đắng ấm. Em vừa bỡ ngỡ, vừa vui sướng, vừa lạ lùng, vừa tin yêu... Tất cả những cảm xúc đó làm em chớp lên một nụ cười thay tiếng lòng mình. Em cứ săm soi tấm thiệp bé xíu bằng bàn tay. Trong đó, đỏ rực, kêu sa một đoá hồng nhung với những lời yêu thương anh dành cho em. Thời gian... thời gian trôi qua... Bao nhiêu niềm nhớ, nỗi buồn, bao nhiêu giận hờn, năn nỉ, nước mắt, nụ cười... đong đầy, sóng sánh tràn vào vùng kỷ niệm, len vào vùng ký ức. Những cơn mơ chấp chới, hoài vọng, u mê, những cơn mơ em không thể nào phai phôi hình dáng anh đã đầy trong tâm khảm.

Hai cây nến quần lên một vệt sáng. Nước mắt em tràn khi nhớ ngày chia tay.

Chào anh. Chào tạm biệt. Anh rũ bỏ hành trang là những kỷ niệm ngọt ngào để ra đi. Ðể lại mình em với nỗi đau trần thế và sự ngạc nhiên tột đỉnh. Ðêm chia tay ấy trời đầy sao. Và hoa phượng. Hoa phượng rơi tan tác lối về, rơi vào tóc em, cổ em. Anh nhẹ nhàng nhặt ra như vứt từng kỷ niệm. Kỷ niệm lăng lông lốc ở vỉa hè, rồi cuộn tròn với hoa cúc nở về khuya, bên vệ đường. Em nhìn, em khóc, em nín, em nghe lặng người, em nghe nặng nhịp thở, như có ai bóp chặt tim mình. Em không đi nổi nữa. Vô tình, ta dừng lại dưới một góc phượng, ve lỗi nhịp bàng hoàng, hoa trên cành thức giấc, gọi nhau lao xao. Trên đầu, trăng suông sáng vằng vặc, em thổn thức: em vĩnh viễn mất anh. Cô gái ấy. Vâng! Cô gái ấy của anh, bờ vai thon thả, tóc mềm, bờ eo trò nhỏ xíu. “Cô ấy chẳng yêu phượng vĩ đâu em!” Em về, khóc ướt gối mềm trong cơn đau đầy mê hoặc.

Hai ngọn nến quần lên một vệt sáng và phụt tắt. Chỉ còn trơ lại đêm đen. Trơ lại tháng năm với trìu trĩu nỗi buồn. Ngày mai, phượng bật ra màu đỏ như máu túa ra từ trái tim non. Sắc phượng vẫn rục lên, nguyên vẹn một màu nhưng lòng người đã là màu phượng nhạt nhòa của tháng tư hiện tại. Xin anh cứ hãy dong ruỗi đường đời, khi nào thật buồn hoạc chồn chân, hãy nhớ có một người vẫn dõi bước anh đi, nỗi nhớ ấy mong manh như sợi chỉ hồng vắt ngang trời chiều đầy sắc phượng!



Nguyễn Trần Hồng Diễm
 

CongVoi

Super V.I.P
Đại nhạc hội sư tử biển
Murakami, Haruki

Khi con sư tử biển bước vào căn hộ của tôi thì tôi đang phì phà thuốc lá sau bữa ăn trưa nhẹ nhàng. Nghe thấy tiếng gõ cửa, tôi ra mở. Trước mặt tôi là một chú sư tử biển. Thật sự là chú này chẳng có gì đặc biệt. Chỉ là một chú sư tử biển bình thường thôi. Tôi muốn nói là chú này không có đeo kính mát, không mặc áo veston, áo gilê hay quần Brooks Brothers gì cả. Kỳ thực trông chú có kiểu cách xưa và phong thái rất Trung Hoa.

“Xin chào. Rất vui được gặp ông”, chú sư tử biển nói. “Tôi chắc là mình không làm phiền ông. Ông rảnh chứ ạ?”.

“Tốt thôi. Tôi cũng không bận lắm”, tôi trả lời, hơi bối rối.

Sư tử biển là những con vật khá vô hại. Chúng không hung tợn và chẳng đáng sợ tí nào. Bởi thế chẳng có gì phải lo lắng cho dù một chú sư tử biển xuất hiện trước cửa nhà bạn. Và chú sư tử biển này cũng chẳng phải ngoại lệ.

Nhưng hiểu rõ điều đó thì tôi càng bối rối hơn.

“Tôi rất vui nếu như ông dành cho tôi khoảng mười phút thôi”. Theo thói quen, tôi liếc nhìn đồng hồ. Nhưng điều này là không cần thiết. Tôi rảnh rỗi mà.

“Nhưng chắc là cũng không nhiều đến thế đâu”, chú sư tử biển nói thêm vào, gần như đọc được suy nghĩ của tôi vậy. Không nghĩ gì thêm nữa, tôi mời chú ta vào nhà. Thậm chí còn mời chú ta dùng một ly trà lúa mạch.

“Không nên thế. Không cần phải phiền phức đến thế đâu”, chú ta làm một hơi hết nửa ly trà rồi rút trong túi áo vét một điếu thuốc, dùng chiếc hộp quẹt của chú ta mà châm lửa.

“Trời vẫn còn khá nóng nực đấy nhỉ?”

“Chắc là thế rồi”.

“Nhưng tối và sáng sớm thì cũng dễ chịu phải không?”

“Ờ, dù gì cũng đã tháng chín rồi”.

“Này. Trận đấu bóng chuyền khối trung học đã kết thúc rồi đấy. Đội Cự Nhân 1 suýt nữa đã đoạt chức vô địch. Chẳng có gì nhiều đáng để ta quan tâm phải không?
Mùa hè sắp qua rồi nhỉ”.

“Tôi cho là chú nói đúng”.

Chú sư tử biển gật đầu đồng ý rồi nhìn quanh căn nhà tôi. “Thứ lỗi cho sự tò mò của tôi nhưng ông sống một mình thôi à?”

“Không. Với vợ tôi chứ. Nhưng giờ cô ấy đang đi du lịch”.

“Thật vậy à? Đi nghỉ riêng một mình nghe cũng thú vị đấy chứ”. Và chú sư tử biển cười giễu cợt, gật gù ra vẻ hiểu biết.

Đây hoàn toàn là lỗi của tôi và tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi không quan tâm anh có thể say đến cỡ nào ở một quán bar khu Shinjuku, nhưng anh không bao giờ nên đưa danh thiếp cho một con sư tử biển ngồi ghế bên cạnh. Tôi nghĩ điều này ai cũng biết. Tôi còn nói gì khác được nữa, nhưng bởi tôi là người biết nghĩ suy, nên tôi đã đưa danh thiếp cho chú sư tử biển. Tôi không còn cách nào khác. Đó là điều tôi phải làm. Và chú ta đã cầm lấy danh thiếp.

Những hiểu lầm gây ra những vấn đề tai hại. Không phải tôi không thích sư tử biển. Chẳng có điểm nào để tôi phải ghét chúng cả. Phải thừa nhận rằng tôi sẽ ứa nước mắt khóc nếu một ngày kia em gái tôi tuyên bố sẽ cưới một con sư tử biển. Cứ cho là họ yêu nhau thì tôi cũng sẽ chẳng phản đối dữ dội gì một đám cưới như vậy đâu. Bởi chuyện người ta yêu một con sư tử biển cũng có thể xảy ra chứ.

Tuy nhiên, việc đưa danh thiếp cho một con sư tử biển thật sự là một chuyện rắc rối kiểu hoàn toàn khác. Quý vị biết đó, sư tử biển là biểu tượng cho đại dương bao la. A là biểu tượng cho B và B sẽ là biểu tượng cho C. Rồi C sẽ là biểu tượng cho cả A và B. Những con sư tử biển kiến tạo cộng đồng của mình theo cấu trúc hình kim tự tháp. Có lẽ nó chứa đựng một mối nguy cơ rủi ro cao về hỗn loạn mất trật tự. Điều cốt lõi của tháp này là cái danh thiếp. Điều đó giải thích tại sao mà những chú sư tử biển luôn mang theo cả xấp danh thiếp trong cặp mình. Đối với sư tử biển thì những tấm danh thiếp đó đại diện cho chỗ đứng của nó trong cộng đồng. Nó cũng giống như mấy chú chim lần tìm chuỗi hạt vậy.

“Tôi tin là vài ngày trước, một hội viên của tôi đã nhận được danh thiếp của ông”.

“Thật vậy ư?”. Tôi giả vờ không biết chú ta nói gì. “Tôi đã uống khá nhiều nên thật sự tôi không nhớ rõ lắm”.

“Nhưng người bạn tôi lại rất vui mừng”.

Tôi uống trà, giả vờ lịch sự quan tâm.

“Một lần nữa, thành thật xin lỗi vì đường đột không báo trước, nhưng tôi muốn có một dịp đến thăm ông. Và cũng bởi vì tôi có tấm danh thiếp này...”.

“Chú muốn điều gì ở tôi?”

“Chỉ là một việc nhỏ thôi mà. Chúng tôi chỉ cần vài sự giúp đỡ tượng trưng thôi, thưa thầy”. Hình như mấy con vật tên gọi là sư tử biển xem con người như những “bậc thầy”.

“Giúp đỡ tượng trưng à?”

“ Ồ, xin lỗi”. Chú ta lục tìm trong cặp, lấy ra một tấm danh thiếp và đưa cho tôi. “Chắc nó sẽ giúp ông hiểu được vấn đề”.

“Chủ tịch Ủy ban điều hành Đại nhạc hội sư tử biển”. Tôi đọc trên tấm danh thiếp.

“Tôi tin là ông có nghe nói đến tổ chức của chúng tôi”.

“À, thật sự là tôi không biết”, tôi nói. “Có lẽ tôi đã nghe phong thanh vài điều về tổ chức này”.

“Đối với loài sư tử biển chúng tôi, đại nhạc hội là sự kiện vô cùng quan trọng, đầy ý nghĩa tượng trưng. Nhưng sự kiện này cũng ích lợi cho phần còn lại của thế giới”.

“Hừm”.

“Ngay khoảnh khắc này, sự hiện hữu của chúng ta rất mong manh chông chênh, bên lề. Nhưng vào thời điểm này...”. Đột nhiên chú ta ngừng lời và dập tắt điếu thuốc vào chiếc gạt tàn. “Thế giới này bao gồm nhiều nhân tố khác biệt nhau. Loài sư tử biển chúng tôi gánh vác trách nhiệm về nhân tố tinh thần”.

“Xin lỗi, nhưng thật sự tôi không thích thú gì lắm với kiểu nói chuyện thế này...”

“Chúng tôi nhắm đến sự hồi sinh loài sư tử biển. Để đạt được điều này, cần phải có một cuộc hồi sinh tương ứng trên toàn thế giới. Trong quá khứ, những lễ hội của chúng tôi luôn từ chối sự tham dự của con người bởi đầu óc hẹp hòi của chúng tôi. Nhưng ngày nay, lời nhắn nhủ của chúng tôi đến thế giới sẽ là: chúng tôi đã thay đổi lễ hội của mình từ căn đế. Chúng tôi hy vọng rằng lễ hội của chúng tôi sẽ là một bàn đạp nhằm đạt đến một cuộc hồi sinh như thế. Đó là lời nhắn gửi của chúng tôi đến thế giới”.

“Tôi chắc là mình theo dõi được những điều chú nói”.

“Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn luôn xem những lễ hội của mình chỉ đơn thuần là lễ hội giản đơn. Dĩ nhiên, đó là những cảnh tượng hào hứng và đẹp đẽ. Nhưng loài sư tử biển chúng tôi tin rằng cuộc sống chính là sự dọn mình 2 cho lễ hội bởi vì lễ hội giúp chúng tôi nhận thức được chân tính của bản sắc loài sư tử biển. Những lễ hội xác nhận bản sắc của chúng tôi - bản sắc sư tử biển, có thể nói vậy. Sự tự khám phá được thủ đắc trong chuỗi hành động tiếp diễn như thế. Tự khám phá chính là cực điểm của hành động cuối cùng”.

“Xác nhận điều gì vậy?”

“Sự chứng nghiệm cao quý”.

Tôi cứ gục gặc đầu cho dù không hiểu chú sư tử biển đang lảm nhảm cái gì. Chúng toàn nói chuyện kiểu như vậy thôi. Chúng cứ nghĩ gì nói nấy. Tôi thường chỉ im lặng, để mặc chúng trút cho hết bầu tâm sự. Khi chú sư tử biển kết thúc bài nói chuyện, đồng hồ đã chỉ quá 2 giờ rưỡi và tôi mệt đến chết được.

“Đó là tất cả những điều tôi muốn nói”, chú sư tử biển nói và bình tĩnh uống cạn chén trà. “Ông có hiểu được căn bản những điều tôi nói không?”

“Chú đang kiếm tiền viện trợ 3 đấy à?”

“Không, không, chúng tôi chỉ tìm kiếm sự trợ giúp tinh thần”, chú sư tử biển đính chính.

Tôi lục trong ví và lấy ra hai tờ một ngàn yên đặt trước mặt chú ta. “Xin lỗi, tuy chẳng nhiều nhặn gì, nhưng ngày mai tôi phải trả tiền bảo hiểm và thanh toán tiền đặt mua báo nữa”.

“Cám ơn ông nhiều. Ông biết đấy, góp gió thành bão mà. Chính suy nghĩ mới là đáng kể”, chú sư tử biển vừa nói vừa xua tay bỏ qua cho tôi.
 

CongVoi

Super V.I.P
Lời giới thiệu của dịch giả: Sinh năm 1920 tại Nga. Cha mẹ ông là người gốc Do Thái, di cư sang Mỹ năm 1923. Ông là nhà hóa học, tự xem mình là người vô thần, và được coi là người đã đặt ra chữ robotics và positronic. Ông viết rất nhiều, phần lớn truyện của ông thuộc loại khoa học giả tưởng như Pebble in the Sky, The End of Eternity, Foundation, The Naked Sun, Fantastic Voyage, Nemesis, The Gods Themselves..., và các sách góp phần phổ biến khoa học trong giới bình dân như The Intelligent Man’s Guide to Science, Understanding Physics, Asimov’s Guide to the Bible, Asimov’s Guide to Shakespeare... Ông mất năm 1992.

Nhà thơ bất tử (The Immortal Bard) trích trong tuyển tập truyện ngắn Earth Is Room Enough, nhà xuất bản Doubleday phát hành năm 1957 tại New York.

Nhà thơ bất tử
Asimov, Isaac

Tiến sĩ Phineas Welch nói:

- Ồ, đúng. Tôi có thể mang hồn danh nhân về.

Ông hơi say, nếu không có thể ông đã không nói. Tất nhiên hơi say trong tiệc Giáng sinh hàng năm là chuyện bình thường.

Scott Robertson, thầy giáo trẻ dạy Anh văn của trường, sửa lại gọng kính, nhìn quanh quất để xem họ có bị ai nghe thấy không.

- Thật sao, tiến sĩ Welch?

- Tôi nói thật. Chẳng những hồn, tôi còn mang cả xác họ về nữa.

Robertson nói với vẻ nghiêm trang:

- Tôi không nghĩ là làm được.

- Sao không? Chỉ là vấn đề chuyển đổi thời gian thôi.

- Ông muốn bảo là du hành vượt thời gian à? Nhưng chuyện đấy rất ư là... bất thường.

- Không bất thường nếu chú biết cách.

- À, cách nào, tiến sĩ Welch?

Nhà vật lý nghiêm nghị hỏi:

- Tưởng tôi chỉ cho chú hả?

Ông lơ đãng nhìn quanh tìm một ly rượu nữa mà không thấy. Ông nói:

- Tôi đã mang về khối người. Archimedes, Newton, Galileo. Mấy anh chàng tội nghiệp.

Robertson nói:

- Họ không thích chốn này sao? Tôi nghĩ lẽ ra họ phải mê mẩn vì nền khoa học tân tiến của chúng ta chứ.

Anh bắt đầu thích cuộc nói chuyện này.

- Ồ họ thích. Họ thích. Nhất là Archimedes. Thoạt tiên tôi ngỡ ông ấy phát điên lên vì vui sướng khi nghe tôi giải thích sơ bằng tiếng Hy Lạp mà hồi xưa tôi đã gạo kỹ, nhưng không, không...

- Thế có chuyện gì không ổn?

- Chỉ là khác biệt văn hóa thôi. Họ không quen với cách sống của chúng ta. Họ cực kỳ cô đơn và hốt hoảng. Tôi phải đưa họ về lại.

- Bết quá.

- Ừ. Những khối óc vĩ đại, nhưng không linh hoạt. Không phổ cập. Vì vậy tôi thử Shakespeare.

- Cái gì?

Robertson kêu lên. Chuyện này gần gũi hơn. Welch bảo:

- Đừng la lớn, chú em. Tính xấu đấy.

- Ông bảo ông mang Shakespeare về à?

- Ừ. Tôi cần một người có khối óc phổ cập, một người thấu hiểu con người đủ để có thể sống xa thời đại của mình hàng thế kỷ. Shakespeare chính là người đó. Tôi có chữ ký ông ta. Như món quà kỷ niệm ấy mà.

Robertson trợn mắt hỏi:

- Ký tặng ông à?

- Đây này.

Welch lục túi này sang túi khác:

- À, đây rồi.

Thầy giáo nhận mẩu giấy bồi. Một mặt ghi: “L. Klein & Con, Bán sỉ đồ sắt”. Mặt kia viết “Will Shakespeare” bằng nét chữ nguệch ngoạc.

Robertson đầy vẻ ngờ ngợ:

- Trông ông ấy ra sao?

- Không giống hình. Hói, ria mép xấu xí. Ông ấy nói nặng giọng Ái Nhĩ Lan. Tất nhiên tôi cố hết sức làm ông ấy vui lòng về thời đại chúng ta. Tôi bảo chúng ta đánh giá cao và vẫn còn diễn các vở kịch của ông ấy. Tóm lại, tôi nói chúng ta nghĩ đó là những tác phẩm văn chương lớn nhất trong ngôn ngữ Anh, có lẽ trong tất cả mọi ngôn ngữ không chừng.

Robertson nghẹn thở:

- Tốt. Tốt.

- Tôi bảo thiên hạ đã viết hàng bao bộ sách bình luận về các vở kịch của ông ấy. Lẽ tự nhiên ông ấy muốn xem một bộ, và tôi lấy ở thư viện một bộ về cho ổng.

- Rồi sao?

- Ồ, ông ấy thích lắm. Tất nhiên, ông ấy gặp khó khăn với thành ngữ đương thời và các dẫn chứng về những biến cố sau năm 1600, nhưng đã có tôi giúp. Anh chàng tội nghiệp. Tôi nghĩ chưa bao giờ ông ấy mong sẽ được ca tụng như thế. Ổng cứ bảo: “Trời, a trời! Chữ nghĩa năm thế kỷ rồi làm sao mà không bị bóp méo đi chứ? Tớ nghĩ thiên hạ có bé xé ra to được!”

- Không thể nào ông ấy bảo như thế.

- Tại sao không? Ông ấy viết kịch nhanh hết sức mình. Ông ấy kể ông ấy phải làm cho kịp thời hạn. Ông ấy viết Hamlet chưa tới sáu tháng. Cốt truyện từ một cốt truyện cũ. Ông ấy chỉ đánh bóng lên thôi.

Thầy giáo Anh văn căm phẫn nói:

- Thì kính thiên văn cũng thế. Người ta chỉ lau bóng lên thôi.

Nhà vật lý mặc kệ anh ta. Thấy một ly cốc-tai chưa ai đụng đến trên quầy rượu cách đấy vài bước, ông rón rén đi tới:

- Tôi bảo nhà thơ bất tử rằng thậm chí chúng ta còn dạy mấy khóa đại học về Shakespeare nữa.

- Tôi có dạy một lớp đấy.

- Tôi biết. Tôi ghi danh ông ấy trong lớp mở thêm buổi tối của chú. Tôi chưa từng thấy ai háo hức muốn biết đời sau nghĩ gì về mình như anh chàng Bill đáng thương này. Hắn học chăm lắm.

- Ông ghi danh William Shakespeare trong lớp tôi?

Robertson lẩm bẩm. Ý tưởng làm anh lảo đảo, cho dù nó chỉ là một ảo tưởng vì say. Và có phải là một ảo tưởng say chăng? Anh bắt đầu nhớ lại người đàn ông hói với cách nói kỳ lạ...

Tiến sĩ Welch bảo:

- Tất nhiên không dùng tên thật. Đừng thắc mắc ổng lấy tên gì. Đó là một sai lầm, thế thôi. Một sai lầm lớn. Anh chàng tội nghiệp.

Lúc này ông đã lấy được ly cốc-tai và nhìn nó lắc đầu.

- Tại sao sai lầm? Chuyện gì xảy ra thế?

Welch gầm lên căm phẫn:

- Tôi phải trả ông ấy về lại năm 1600. Anh nghĩ người ta có thể chịu nhục nhã đến cỡ nào?

- Ông bảo nhục nhã chuyện gì?

Tiến sĩ Welch nốc cạn ly cốc-tai:

- Còn hỏi tại sao, đồ cả quỷnh, chú mày đánh rớt ông ấy.

Phạm Văn dịch từ bản tiếng Anh

Nguồn: Isaac Asimov, Earth Is Room Enough, tập truyện ngắn, Nxb Doubleday, New York, 1957.
 

CongVoi

Super V.I.P
Nước biển Venice mặn
Ngọc Cầm Dương

Khi màn đêm đã buông xuống thì có lẽ sự khác biệt giữa những căn nhà đều biến mất, ngay cả ở Venice cũng không ngoại lệ. Ban ngày thành phố tấp nập khách du lịch, tiếng người cười nói, mua bán, tiếng thuyền máy, tiếng hát vang vọng khắp một vùng biển thì lúc này mọi vật đều say ngủ. Chỉ còn bóng chiều nhập nhoạng, tiếng sóng ì oạp nhè nhẹ vỗ bờ và vầng trăng cô độc chiếu sáng. Chàng trai lững thững đi dọc bờ biển đã hàng tiếng đồng hồ, chẳng nghĩ ngợi gì. Đôi lúc người ta có thể cảm thấy yên bình và an toàn hơn khi cô độc, nhưng hạnh phúc thì có lẽ không. Sắp đến một cây cầu đá, chàng nghe tiếng hát ê a của một thiếu nữ. Tiến lại gần hơn, chàng nhận ra một cô gái gày gò, nhếch nhác, tay ôm một chai rượu, ngồi trên thành cầu, co chân, tựa lưng vào cột đèn và hát. Cô nàng mặc một chiếc áo sơ mi cũ mỏng, một chiếc váy xanh nhờ nhờ nhàu nát. Chỉ có vậy mới khiến người ta nhận ra cô là một thiếu nữ, bởi trông cô còi cọc, bé nhỏ không khác gì một cậu trai mới lớn. Cô ngồi nhìn ra biển và hát một bài dân ca nào đó. Thấy chàng trai tiến lại gần, cô gái xoay người mời chào:

- Lei è solo stasera anche, il mio amore? Lei vuole andare con me?

Chàng trai khẽ mỉm cười nói:

- No, la ringrazia.

Đó là một trong vài câu tiếng Ý hiếm hoi mà chàng học được trước khi du lịch đến đất nước bên bờ Địa Trung Hải này. Cô gái hẳn là một gái làm tiền mạt vận ở đây. Điều đó cũng dễ hiểu, cô nàng thật không thể gây cảm hứng cho bất kỳ người đàn ông nào. Khuôn ngực nàng lép kẹp, cả thân thể héo quắt, khô cứng, mái tóc bết mỏng loà xoà.… Nhưng đến đúng khoảng cách vừa đủ để nhìn rõ khuôn mặt nàng, hay đúng hơn là đôi mắt nâu, rất lớn, nhìn mênh mang thì chàng trai không thể nghĩ thêm được gì nữa… Thoáng chốc, đôi mắt ấy mất hẳn vẻ lờ đờ, buồn bã. Nó nghiêng nghiêng nhìn chàng, hơi soi mói, ngộ nghĩnh và mỉm cười. Đôi mắt ấy mỉm cười và chủ nó cũng phá lên cười giòn tan:

- Non che? U viene con me, fa lei?

Cô nàng tụt xuống, đứng áp sát vào người chàng trai, mặt ngửa lên cong cớn, đôi môi khẽ bĩu ra và bàn tay luồn qua chiếc áo phông, nhè nhẹ ve vuốt khắp cơ thể chàng. Chàng trai mỉm cười hỏi:

- Quanta, la mia signora?

- Cento.

Cô gái trả lời và cười lớn, rồi không đợi phản ứng của chàng trai, vòng tay cô ôm chặt lấy chàng và hôn đến ngạt thở. Không còn hình ảnh về một cậu trai ốm yếu, không còn cảm giác ghê sợ về một mụ đàn bà đứng đường bẩn thỉu, chỉ còn một cô gái sôi nổi, với bờ môi ngọt lịm vị rượu vang, đôi bàn tay mềm mại, mát rượi. Cô gái nắm tay kéo chàng trai đi theo, nàng vừa đi như bay, vừa cười hồ hởi không khác gì một cậu bé muốn khoe cha thành tích của mình, đôi mắt long lanh đầy hứng khởi...

Hai người chạy tới cuối cây cầu, và trèo lên một chiếc thuyền nhỏ, ban ngày vẫn để chở khách du lịch, và giờ đây được dùng cho các cô gái bán hoa. Cô nàng còm nhom, vừa chống sào đưa thuyền ra xa vừa hát bài dân ca khi trước, nhưng vì đang trên biển hay vì một lý do nào đó, giọng hát ấy không còn ê a mà vui tươi, lảnh lót.

Con thuyền giờ đây đã ở khá xa bờ, chỉ còn hai người dừng lại giữa biển hồ Venice và vầng trăng cô độc, nhẫn nại dát bạc lên những con sóng dập dìu. Cô gái nhỏ chăm chú, nghiêng nghiêng nhìn chàng, khoé môi cô hơi nhếch lên, cô từ từ trút bỏ váy áo của mình, dịu dàng tiến về phía chàng trai. Cô đắm đuối hôn lên khoé môi, lên đôi mắt chàng. Đêm Venice yên bình, chỉ có tiếng sóng và vầng trăng. Chiếc thuyền cứ xoay tròn, xoay tròn, tiếng sóng vang mãi, vang mãi... Không phải tình yêu. Không phải định mệnh. Chỉ có sự đam mê cứ cuốn chặt lấy chàng, mãi mãi, êm dịu, dai dẳng, đau đớn nhưng không bao giờ dứt, không bao giờ dừng lại. Cô gái ngỗ nghịch với bộ ngực lép kẹp giờ nằm sát cạnh chàng. Đôi mắt cô mở to ngắm nhìn, bàn tay vuốt ve mái tóc chàng, khuôn mặt, làn da chàng, cái miệng xinh xinh của cô nói không dứt thứ tiếng mà chàng không hiểu. Cô cứ nói, nói liến thoắng, thỉnh thoảng phá lên cười giòn tan. Có lúc cô nói thật khẽ, như thì thầm với chính mình vậy, giọng cô buồn buồn, đôi mắt đăm đắm, nhìn sâu như muốn hút lấy hồn chàng, mênh mông như biển đêm… Chàng trai nằm đó, ngắm cô im lặng và thỉnh thoảng gật đầu hoặc mỉm cười khi được hỏi. Họ cứ nằm vậy, cho đến khi chàng trai với tay lấy ví tiền, chàng mỉm cười thầm nghĩ:

- Cô bé, cô bé kiếm được của tôi nhiều hơn các bạn đồng nghiệp ở nơi khác nhé, nhưng cô là người duy nhất biết nói tiếng Ý trong số họ, phải không nào?

Chàng trai lấy hai tờ 50 € ra đưa cho cô bé, cô nàng giật lấy, và nhanh hơn, giật cả chiếc ví, tung lên cao. Chàng trai chưa kịp phản ứng, cô bé đã phóng vút người nhảy xuống biển. Cô thanh thoát và nhanh nhẹn như một con nai nhỏ, nhún người chụp đúng chiếc ví. Cô cười vang cầm nó giơ cao, khoe chàng trai. Choáng ngợp trước điều không tưởng tuyệt diệu, chàng chỉ câm lặng rồi mỉm cười giơ tay định kéo cô lên thuyền. Nhưng khi nắm được bàn tay cô, thì chàng bị kéo mạnh xuống nước. Cô bé cười vang, hôn chàng đến ngạt thở, nàng bơi quanh, quấn chặt lấy chàng. Chàng trai không thể diễn giải được cảm giác của mình lúc ấy. Hạnh phúc? Đam mê? Tình yêu? Tất cả đều có thể hoặc không. Trong giây phút ấy, Venice biến mất, những cây cầu biến mất, ánh trăng biến mất, biển đêm biến mất, chỉ còn một linh hồn sống, linh hồn ấy từ cô gái truyền sang cho chàng, hòa nhập thành một. Trở thành linh hồn của cả vũ trụ. Linh hồn ấy quay cuồng, hạnh phúc, múa may theo những vũ điệu lạ kỳ cô gái đưa dẫn. Chàng trai không còn biết gì nữa, cho đến khi đã trở lại thuyền, cả hai cùng im lặng, chỉ còn tiếng sóng vỗ, gió thổi và vầng trăng nhẫn nại. Cô bé còm nhom kia không nói gì nữa, cô thiêm thiếp ngủ. Chàng trai lặng ngắm thân hình cô lõa thể ướt đẫm nước biển. Dưới ánh trăng chênh chếch, làn da như vừa được rưới lên một lớp thuỷ ngân, mát lạnh, lấp loáng.

Trời gần sáng, gió biển bắt đầu mạnh hơn. Làn da nâu bóng giờ đã được gió biển làm khô, mịn màng, thật khoẻ mạnh và gợi cảm. Chàng trai trẻ như bị thôi miên vào người thiếu nữ ấy. Cô bé ngọ nguậy, thức giấc và mặc quần áo. Cô lại trở thành cậu bé tinh nghịch như đêm qua, đôi mắt thông minh sống động, cái miệng lúng liếng. Cô lại vừa khe khẽ hát vừa đưa thuyền vào bờ. Khi chàng bước lên bờ, cô gái kéo tay rồi kiễng chân, chạm khẽ môi mình vào đôi môi chàng, khuôn mặt cô ướt đẫm chạm vào mặt chàng, rồi thình lình đẩy cây sào đưa thuyền ra xa. Bất giác chàng trai đưa tay quệt giọt nước trên môi và cảm thấy mặn chát. Nước biển Venice mặn, nước mắt cô gái cũng mặn, nhưng có lẽ đó là nước biển đã bắn lên mặt nàng thôi. Chàng trai quay đi, lại tiếp tục lững thững vô định, không nghĩ ngợi gì trên những cây cầu của Venice. Các cây cầu vẫn vậy, Venice vẫn vậy, ánh trăng vẫn vậy, chỉ có một điều không còn như trước. Chàng đã biết đến vị mặn của nước biển Venice.
 

CongVoi

Super V.I.P
Bông tuyết nhỏ
Ngọc Cầm Dương

Chàng trai trẻ bước vào toa đầu tiên của tàu điện ngầm. Ngồi vào hàng ghế thứ hai bên tay trái. Một phần thói quen của chàng từ gần năm nay. Ở vị trí này chàng có thể quan sát rất tốt người ngồi hàng ghế đầu, đối diện phía bên tay phải, cạnh cửa sổ. Hôm nay, chiếc ghế ấy để trống. Giờ này tàu thường vắng, nên không ai muốn ngồi ở vị trí ấy. Chàng không rời mắt khỏi khoảng trống nơi chiếc ghế kia. Đèn vàng báo hiệu vẫn nhấp nháy bên ngoài cửa sổ. Khuôn mặt một thiếu nữ châu Á dần hiện ra. Cô cũng giống như tất cả các cô gái Hàn Quốc hoặc Nhật Bản theo học nhạc ở đây. Giống như những nữ tu của một nhà tu kín, người ta có thể dễ dàng nhận ra các cô giữa đám đông, nhưng lại không thể phân biệt được các cô. Tất cả đều mặc quần áo tông màu trầm, lịch sự và sang trọng kiểu cổ điển. Tóc của cô nào cũng búi hơi cao hoặc buộc thành một túm. Có chăng các cô chỉ khác với những nữ tu ở một điểm: tất cả đều lấp lánh sự giàu có, quý phái và tự mãn thuộc về tinh hoa của một nền văn hoá bí ẩn.

Mọi vật xung quanh cô đều dần nhòa đi, chàng trai chỉ còn nhận thấy khuôn mặt và đôi bàn tay cô trắng muốt. Người ta có thể không tin, nhưng có một điều, ta có thể ngay lập tức nhìn ra trên bất kỳ một khuôn mặt nào, dù cho nó có quý phái, khắc khổ hay đàng điếm, bất cần... Đó là khi một người mất hết mọi hy vọng sống. Hai bàn tay cô để nhẹ trên đùi. Nếu không quen quan sát những cô gái này, người ta không thể nhận ra là hai bàn tay cô vốn đan vào nhau. Chúng hơi khum khum, hơi ngửa ra, những đầu ngón tay chạm vào nhau, nhẹ nhàng, bất lực. Đầu cô hơi nghiêng như đang tập trung nghe ngóng điều gì, đôi mắt mở to, trống rỗng, nhìn vô định. Nếu thỉnh thoảng cô không chớp mắt, và thở hơi hắt ra, người ta hoàn toàn có thể nhầm đây chỉ là cái bóng của một cô gái khiếm thị. Cô gái cứ ngồi đó, im lặng. Chốc chốc chàng trai ngồi trước mặt khẽ nắm lấy bàn tay cô vỗ về. Cô gái không cử động, vẫn đắm chìm trong thế giới của mình. Con tàu lao đi. Đã đi được hai hay ba bến? Chàng trai không thể nhớ ra. Hình quảng cáo bên cửa sổ phát từ một máy chiếu vẫn liên tục thay đổi đến chóng mặt. Đèn vàng báo hiệu nhấp nháy. Tiếng bánh xe va vào đường ray ầm ầm. Nhưng không khí bên trong toa tàu im lặng, ngột ngạt đến khó thở. Tâm trí chàng hiện lên hình ảnh cô gái đang kéo đàn vĩ cầm. Đôi mắt cô nhắm nghiền, đau đớn. Cằm tì chặt vào đàn. Thanh kéo trong tay cô như một con rắn quằn quại cứa vào dây đàn, phát ra những âm thanh chói tai. Tay cô đưa càng lúc càng nhanh, khuôn mặt cô nhòa đi. Chỉ còn con rắn cuốn mình trên cây đàn nâu bóng như một con yêu tinh điên cuồng đang gào thét muốn vỡ lồng ngực. Hình ảnh vỡ vụn như một tấm gương mỏng. Tàu vào bến. Cô gái giật mình, khẽ ngẩng đầu nhìn theo bóng chàng trai khuất dần nơi phía cửa. Đôi mắt cô chợt mất hẳn thoáng ngơ ngác, trống rỗng khi trước. Ánh mắt của một con rắn rực lửa, nhưng sắc lạnh, đầy ham muốn và tàn ác. Đôi mắt ấy nửa như muốn nuốt chửng, đốt cháy mọi vật, nửa như quằn quại van xin. Một thoáng ngắn ngủi, hai đồng tử dãn dần ra, cô hơi ngả lưng vào ghế, đầu tựa nhẹ vào cửa kính và nhìn ra ngoài nơi ánh đèn vàng nhấp nháy đều đặn, nơi những hình quảng cáo câm lặng thay đổi liên tục, nơi phát ra tiếng đập chầm chậm của bánh xe vào đường ray. Vài sợi tóc mai tuột xuống, cọ vào mặt. Mọi vật như nhòa tan vào một thế giới mơ ngủ, trống rỗng. Chỉ còn lại chàng trai và ảo ảnh về một cô gái mà giây phút trước dường như vẫn còn khe khẽ thở. Ánh mắt quái dị kia đã cháy nốt cùng chút hơi ơ hờ sót lại.

Tiếng loa báo tàu vào bến mới, cánh cửa bật mở, tiếng ồn ĩ của một đám người tiến vào. Cô gái đứng dậy nhẹ nhàng tiến về phía cửa. Vẫn không rời mắt khỏi ghế ngồi, chàng trai cảm nhận được cô gái lướt qua chỗ mình hoà vào dòng người ngoài kia. Chàng lẽ ra cũng xuống ở bến này, nhưng chàng không thể nhúc nhích hay dứt bỏ cái nhìn vào khoảng trống nơi chiếc ghế kia. Chàng cứ ngồi vậy, đã một năm nay. Và chàng cũng không còn về nhà bằng con đường cũ. Qua bến này và năm bến nữa, chàng sẽ đổi sang tàu số hai về nhà... Tiếng loa báo tàu sắp rời bến và chuẩn bị chuyển bánh, chàng trai bừng tỉnh, lao vụt ra trước khi cánh cửa đóng sập.

Đứng giữa sân ga, nhìn những bóng người vội vã, nơi lẽ ra chàng đã đứng một năm về trước. Điều gì sẽ xảy ra nếu buổi tối đó chàng ra khỏi tàu? Chàng vẫn tìm kiếm buổi tối đó hơn một năm nay và có lẽ vẫn sẽ tìm kiếm cả cuộc đời. Ra khỏi sân ga, chàng lững thững đi bộ trên con đường có thể tối hôm đó cô gái đã đi qua. Tuyết bắt đầu rơi. Một bông tuyết nhỏ rơi khẽ vào lòng bàn tay chàng. Bất giác chàng đưa tay lên. Bông tuyết nhỏ bắt đầu tan. Nắm tay vào ư? Bông tuyết sẽ càng tan nhanh hơn. Dưới ánh đèn tù mù, bông tuyết nhỏ khi nãy giờ chỉ còn là một vệt nước.
 

CongVoi

Super V.I.P
Giờ chết
Nguyễn Nguyên Phước

Đến bây giờ cô vẫn nhớ rõ từng chi tiết cái chết của mẹ. Ba tháng trước đó, bà Vương, vốn là một người xem bói rất giỏi, nói với cô con gái út rằng mình sẽ chết vào lúc một giờ sáng ngày rằm tháng sáu âm lịch và dặn cô không được nói với ai. Đã ba năm bà chỉ nằm trên giường; mấy đứa con phải thuê một người họ hàng xa chăm sóc. Cô con gái út thường về làng thăm mẹ vào cuối tuần. So với mấy anh chị sống trên Hà Nội, cô là người đi lại thuận tiện nhất; làm thợ may trên thị xã chẳng có mấy khách hàng lại cách làng có mười cây số. Từ ngày mẹ ốm, khách xem bói không còn quấy rầy bà cụ nữa; điều đó khiến cô cảm thấy thoải mái hơn. Ngày trước, cứ mỗi lần về thăm mẹ, cô lại bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi mơ hồ khi phải đối mặt với những khuôn mặt mệt mỏi và vô vọng đến từ những nơi xa lạ mà chắc chắn đến cái tên bà cụ cũng chưa bao giờ nghe đến.

Không ai biết chính xác bà Vương có khả năng tiên tri từ bao giờ. Hồi còn bé, cô út rất thích những câu chuyện mà mẹ vẫn hay thì thầm với khách. Cuộc đời của họ, qua lời của mẹ, trở nên rối rắm đến kỳ lạ. Cô không biết mẹ đang nói về quá khứ hay tương lai và đôi khi cứ băn khoăn liệu những điều bà nói có đúng hay không. Xét cho cùng thì số phận của một cá thể chẳng có ý nghĩa gì đối với cộng đồng ngoài sự tồn tại của chính bản thân cá thể đó; hơn nữa, nó lại không thể thay đổi được. Vậy thì tại sao người ta lại phải xem bói? Phải chăng số mệnh của họ ngay từ lúc chào đời đã bao gồm cả việc phải tìm đến một nhà tiên tri - cũng chẳng có gì chắc chắn đó không phải là một tay tiên tri dởm - như một thủ tục bắt buộc để thay đổi cuộc đời mình theo cái cách mà số mệnh định đoạt thông qua miệng của kẻ kia. Hay biết đâu đó chỉ đơn giản là nhu cầu của những kẻ mất phương hướng, phải nhờ đến một bà già không quen biết đưa ra một sự bảo đảm mơ hồ về tương lai, mà sự bảo đảm ấy thực chẳng mang lại cái gì ngoài sự khó chịu.

Thỉnh thoảng, mẹ cô vẫn than thở chuyện bói toán. Đối với bà, nó cứ y như là một hình phạt khủng khiếp vậy. “Chắc kiếp trước mẹ là kẻ khốn nạn.” - bà than vãn - “Đêm nào trước khi đi ngủ, mẹ cũng cầu trời sáng mai tỉnh dậy, mình sẽ không còn khả năng xem bói nữa. Con cứ thử tưởng tượng mà xem. Ngày nào cũng phải đối mặt với những suy nghĩ xấu xa trong con người họ.” Thực ra, cô út chẳng tin lắm vào sự khốn khổ mà bà mẹ hay ca cẩm. Những nỗi niềm đau khổ dằn vặt đó liệu có thực sự tồn tại hay không, hay chẳng qua chỉ là sự tưởng tượng của bà cụ. Hơn nữa, làm sao có thể chắc chắn trong tâm hồn những con người kia luôn ẩn chứa dã tâm như mẹ cô nói. Biết đâu mẹ cô lại mắc bệnh hoang tưởng. Chẳng hạn, có lần bà nói với một người đàn ông rằng mẹ anh ta sẽ chết vào mùa hè năm sau. Người đàn ông gầy gò, bé nhỏ có khuôn mặt đầy tàn nhang bỗng luống cuống, cứ như thể anh ta đánh rơi một vật gì đó. Khi khách đã ra về, bà thở dài nói: “Mẹ anh ta nằm liệt giường đã ba năm nay. Anh ta chờ đợi cái chết của bà mẹ từ lâu lắm rồi. Dẫu sao cũng chẳng đáng sợ bằng thằng anh con. Lúc nào nó cũng nghĩ đến chuyện giết vợ.”

Người con trai cả của bà Vương, giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội, thường bị những cơn đau đầu bất thần hành hạ. Trước đó gần hai chục năm, anh bị tình nghi có liên quan đến cái chết của một cô gái. Theo như những lời đồn đại, xác cô gái được chôn ở đâu đó ngoài bãi ngô; người ta đã đào xới tung lên mất mấy tuần nhưng chẳng thấy gì ngoài mấy khúc xương trâu. Hồi đó, anh độc thân và làm giám sát thi công ở thị trấn N. hơn hai năm, cái thị trấn buồn tẻ chẳng có gì để giải trí ngoài mấy cái quán giải khát kiêm chiếu phim video buổi tối. Người ta thường chỉ chiếu những bộ phim chưởng được làm vụng về với chung một cái chết cho mọi nhân vật, tất cả đều phun máu ra đằng mồm. Anh quen cô trong một buổi chiếu phim. Cô mười chín tuổi, học xong cấp ba, làm phụ việc cho tiệm may của bà cô. Vào những buổi tối mùa hè, dân thị trấn thường thấy họ đi dạo bên bờ sông, khi ấy hãy còn vắng vẻ chứ không nhộn nhịp như bây giờ. Sau khi cô mất tích, công an gọi anh lên thẩm vấn mấy lần nhưng rồi cũng không tìm ra manh mối nào từ mối quan hệ mập mờ của họ. Nhiều người nói rằng anh bắt đầu bị chứng đau đầu hành hạ sau thời gian làm việc ở N., nhưng cũng có giả thiết cho rằng anh bị bệnh từ trước đó và rất có thể trong một lần bị đau đầu như thế, anh đã giết cô. Dẫu sao thì cũng chẳng có chứng cớ nào để kết tội anh và câu chuyện nhanh chóng bị quên lãng.

Ba năm sau, anh lấy vợ. Đứa con đầu được sinh sau đó bảy tháng. Một số kẻ ác ý đã nói rằng nó không phải con anh nhưng dù sao cũng chẳng có gì để khẳng định điều đó khi mà những đám cưới kiểu như vậy vốn đầy rẫy ở thành phố. Cô út không biết nhiều về cuộc sống của ông anh trai. Cô chưa bao giờ gặp anh ở nhà trong những lần hiếm hoi ra chơi Hà Nội. Bà chị dâu, dưới mắt cô, là một người dễ chịu. Bà ta có cái khéo léo hơi giả tạo kiểu người thành phố. Ông anh trai là người thành đạt nhưng ánh mắt vẫn đượm vẻ u buồn. Ông ít khi thể hiện tình cảm, ngay cả với bà mẹ ốm yếu. “Đó là thói đạo đức giả.” - ông lạnh nhạt nói, mỗi khi ai đó nhắc nhở về thói lạnh nhạt, thờ ơ với gia đình và họ hàng - “Thật ngớ ngẩn khi ở thế kỷ hai mốt rồi mà người ta vẫn còn giữ cái quan niệm ấu trĩ đó. Chỉ có con chó giữ nhà mới có những biểu hiện tình cảm ngớ ngẩn như vậy. Mà liệu nó có làm như thế không khi người ta không cho nó ăn.”

Bà Vương rất thương con trai. Sống vất vả từ bé, lại phải gánh trên vai cái trọng trách của một người đàn ông trong gia đình sau khi bố mất, con trai bà trở thành một đứa lầm lỳ, thậm chí có phần cục súc. Bố nó mất khi thằng bé mười lăm tuổi. Điều duy nhất bà còn nhớ được về người chồng xấu số là những trận đòn. Một lần, đi làm đồng về, bà kinh hãi nhìn thằng con trai mới mười bốn tuổi bị bố treo ngược trên xà nhà. Đúng vào cái thời điểm đó, bà chợt nhận ra cái chết đang đến rất gần với người đàn ông hung bạo kia, cha của các con bà. Đến tận bây giờ bà vẫn không thể xác định được viễn tượng về cái chết của ông thoáng hiện lên trong đầu bà khi đó là cái tiên cảm bản năng của người thầy bói hay chỉ là một ước vọng trùng hợp. Xác ông được tìm thấy trong cái chòi chăn vịt bỏ hoang cùng với chai rượu đang uống dở. Thân thể trần truồng của ông tím tái vì lạnh, mặc dù lúc ấy đương là mùa hè. Người ta cho rằng ông chết vì cảm lạnh.

Cô út nhớ đến cái ngày cô dẫn người yêu về ra mắt gia đình; mẹ cô kịch liệt phản đối dù anh người yêu chẳng có điểm gì đáng chê trách. Cuối cùng, cô lấy một anh thợ may có cửa hàng trên thị xã. Đám cưới diễn ra vào một ngày trời mưa rất to, khách đến dự vì thế cũng không đông. Cô út cứ khóc mãi không thôi khi nhà trai đến đón dâu. Anh người yêu cũ sau đó ba năm mắc bệnh ung thư phổi, chết cô đơn và đau đớn trong một căn nhà nhỏ ở Hà Nội. Những lúc buồn bã rỗi rãi không có khách hàng đến cắt may, cô thường nghĩ về anh. Khi mang thai đứa con gái thứ hai, cô út cứ đinh ninh rằng đứa bé cô đang mang trong bụng chính là con anh. Những đêm không ngủ được, nằm bên cạnh chồng, cô cứ nghĩ rằng chính mình đã gây ra cái chết của anh và mỗi lúc như thế, cô lại oán trách mẹ đã ngăn cản mối tình đầu. Dù có một cuộc sống khá sung túc so với những người dân quê bên người chồng hiền lành và nhạt nhẽo, cô không khỏi buồn lòng mỗi khi nhớ về người đã khuất. Mỗi lần so sánh chồng mình với anh người yêu đã chết, cô đều cảm thấy nhẫn tâm nhưng sự so sánh vô tình ấy cứ âm ỉ không dứt như thể một thứ độc dược đang ngấm trong cơ thể cô. Có lần thậm chí cô còn độc ác đến mức có ý nghĩ rằng mình sẽ rất hạnh phúc nếu người chết là người chồng hiện tại chứ không phải anh người yêu cũ.

Đêm nay, theo như kế hoạch bà Vương sẽ chết vào lúc một giờ sáng. Cô út ngồi bên giường mẹ. Giường của bà Vương đặt bên cạnh cửa sổ, từ đó có thể nhìn ra phía bờ ao. Trên thành cửa sổ có một cái đồng hồ cũ màu xanh dương vốn là quà của ông anh cả mua cho mẹ nhân một chuyến đi Liên Xô. Đồng hồ chỉ có kim giờ và kim phút, không có kim giây. Nó có cả chức năng báo thức nhưng bà Vương chẳng bao giờ dùng; bà thường thức dậy lúc khoảng năm giờ sáng và thông thường chả có việc gì làm nên bà cứ đi đi lại lại trong buồng. Cô út thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ nhưng về sau cảm thấy có cái gì đó bất nhẫn, cô quyết định sẽ không nhìn về phía cửa sổ nữa. Bà Vương vẫn nằm bất động trên giường. Bà không nói được nữa nhưng tim vẫn thoi thóp đập giống như tiếng tích tắc mơ hồ phát ra từ cái đồng hồ Liên Xô. Cô út cầm tay mẹ, cố nhìn về phía cửa chính để không trông thấy cái đồng hồ. Cô biết rằng thời gian đang trôi đi và việc chờ đợi làm cô mệt mỏi khủng khiếp, chẳng khác gì cái ngày cô chờ đợi người ta đến rước dâu. Cảm thấy bàn tay mẹ từ từ lỏng ra khỏi bàn tay mình, theo bản năng cô đưa mắt về phía cửa sổ nhìn đồng hồ. Đồng hồ chỉ đúng một giờ. “Vậy là mẹ đã nói đúng”- cô thầm nghĩ. Nhớ lời bà dặn cách đây ba tháng, cô không đánh thức ai trong nhà dậy. Vuốt mắt cho mẹ xong, cô cứ ngồi yên như thế cho đến khi trời sáng.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top