Anhtoitb
New Member
15 năm thị trường di động VN đang có gì
(Mobilenet) - Tháng 4/1993, mạng MobiFone ra đời đã “khai sinh” ra nền viễn thông di động của Việt Nam. Tròn 15 năm phát triển, vậy thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay đã và đang có được gì?
15 năm, ngày ấy…
Ngày 16/4/1993, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. “Vạn sự khởi đầu nan”, “đứa con so” của ngành viễn thông di động Việt liên tiếp gặp những khó khăn suốt 2 năm đầu tiên, do kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng chưa có, cơ sở hạ tầng nghèo nàn…
MobiFone - mạng ra đời đầu tiên ở VN cách đây 15 năm
Tại thời điểm ban đầu, MobiFone chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm thu phát sóng (BTS) tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam phủ sóng 4 địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu). Đến năm 1995, MobiFone chính thức kí kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển). Nhờ có sự hợp tác, chuyển giao về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, nguồn vốn... từ phía đối tác Comvik, MobiFone bắt đầu có những sự phát triển mạnh mẽ.
Sự phát triển cũng như triển vọng kinh doanh rất khả quan của MobiFone là những tín hiệu tốt để năm 1996, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) tiếp tục thành lập Ban dự án xây dựng một mạng di động mới. Với sự giúp đỡ của “người dẫn đường” MobiFone, hơn một năm sau, ngày 14/6/1997, Vinaphone, mạng di động thứ hai tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Tháng 7/2003, S-Fone - mạng CDMA đầu tiên tại Việt Nam ra mắt và hơn 1 năm sau đó, cuối năm 2004, Viettel Mobile - mạng di động GSM thứ ba cũng chính thức đi vào hoạt động.
Kể từ thời điểm này cho tới gần cuối năm 2006, Viettel Mobile được đánh giá là một hiện tượng trên thị trường thông tin di động với giá cước rẻ, đầu tư nhanh. Trong 3 năm này, Viettel Mobile cũng là mạng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Ngoài sự năng động và sáng tạo trong kinh doanh của Viettel Mobile, một yếu tố quan trọng cũng dẫn tới sự thành công của mạng này là sự chênh lệch về giá cước giữa Viettel Mobile với MobiFone và Vinaphone khá lớn, trong khi MobiFone, Vinaphone không được phép giảm giá cước để cạnh tranh vì là mạng chiếm thị phần khống chế.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng cũng tạo thuận lợi cho Viettel Mobile là MobiFone và cả Vinaphone đều gặp khó khăn về đầu tư mở rộng mạng lưới do quy trình, thủ tục bị kéo dài. Sau “hiện tượng Viettel”, liên tiếp, trong 2 năm 2006-2007, thị trường thông tin di động chứng kiến sự góp mặt thêm của 2 nhà cung cấp dịch vụ CDMA là HT Mobile và EVN Telecom, tạo nên “thế chân vạc” CDMA, làm đối trọng với 3 “đại gia GSM” trên thị trường.
Tuy nhiên, ngoài việc có được một sự khởi đầu khá “sốc” với chiến dịch khuyến mãi gọi, nhắn tin miễn phí, HT Mobile đã không tạo được ấn tượng gì hơn sau vài tháng khai trương dịch vụ và đã lụi tàn dần. Với EVN Telecom, mạng viễn thông chỉ khẳng định được vị trí ở dịch vụ điện thoại cố định không dây (E-Com) chứ không có tiếng nói gì với dịch vụ thông tin di động toàn quốc (E-Mobile). Cuối năm 2007, GTel - mạng viễn thông của Bộ Công an cũng đã ra đời.
… bây giờ
Vậy là, sau 15 năm phát triển, từ một mạng di động đầu tiên là MobiFone, thị trường thông tin di động Việt Nam hiện đã có 7 mạng di động với số lượng người sử dụng di động tăng vọt lên một cách chóng mặt (đạt 34 triệu thuê bao tính đến hết năm 2007). Một điều dễ nhận thấy rằng: điện thoại di động ngày càng không còn là một thứ quá “xa xỉ phẩm” như cái “thuở hồng hoang” của nó trước đây nữa. Và khi đọc những thông tin nêu ra sau đây, chắc hẳn sẽ không ít người phải giật mình vì sự chênh lệch quá lớn mà những con số đã đem lại.
Nếu như trước đây để đăng ký dịch vụ trả sau, khách hàng cần phải trả phí hòa mạng lên tới 2 triệu VND, thuê bao hàng tháng là 450.000 VND và gọi phải tính theo phút với đơn giá mỗi phút 2.500 VND thì sau 15 năm, mọi việc đã khác hẳn.
15 năm sau thị trường di động VN phát triển mạnh mẽ
Khi hòa mạng trả sau, các khách hàng đều được miễn cước hòa mạng (do chính sách khuyến mãi của các mạng); được tặng hàng trăm nghìn đồng vào tài khoản để gọi miễn phí trong nhiều tháng liền. Chưa hết, cước thuê bao chỉ còn 60.000 VND/tháng, cước liên lạc chỉ còn khoảng 1.200 VND/phút, theo phương thức tính cước block 6 giây + 1. Như vậy chỉ tính riêng về giá cước đã giảm tới hơn 50%, nếu tính cả cách tính cước thì có thể giảm tới 70-80%.
Với thuê bao trả trước, nếu như trước đây giá cước là 3.500 VND/phút với cách tính cước theo phút thì nay chỉ còn khoảng gần 2.000 VND/phút và cũng theo cách tính cước 6 giây+1. Ngoài việc giảm cước, các chương trình khuyến mãi liên tục với quy mô cực lớn của MobiFone, Viettel, Vinaphone… dành cho các khách hàng trả trước, những người theo phong trào “mua SIM mới thay cho cào thẻ nạp”, cũng làm cho giá cước trả trước giảm thêm tới hơn 50% nữa.
Đến thời điểm hiện tại, khi cước di động đã liên tục tụt xuống gần với mức giá sàn, thì hầu như không còn có sự cách biệt quá lớn về giá cước giữa các mạng, đặc biệt là các mạng GSM như MobiFone, Vinaphone, Viettel. Cũng vì vậy, cạnh tranh về giá cước lúc này bắt đầu chuyển hướng sang cạnh tranh về chất lượng.
Tuy nhiên, sau 15 năm phát triển với công nghệ 2G và 2,5G, năm 2008 cũng sẽ là năm mở ra một mốc son mới về công nghệ di động cho thị trường thông tin di động Việt khi các mạng đang nô nức tham gia thi tuyển 3G - một chuẩn công nghệ tiên tiến và đang là xu thế chung của viễn thông toàn thế giới.
Và cổ phần hóa - câu chuyện thời sự chứng khoán
Vậy là trong 15 năm qua, thị trường thông tin di động Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn và cũng đang đứng trước bản lề của một sự thay đổi cực kỳ quan trọng. Nếu như 15 năm trước đây, toàn bộ các mạng thông tin di động đều thuộc sở hữu của Nhà nước thì nay với việc gia nhập WTO và sự phát triển rất mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, hình thức sở hữu 100% vốn Nhà nước sẽ là những rào cản thực sự cho sự phát triển của các mạng di động này trong thời gian tới.
Theo nhận định của các chuyên gia về kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu sở hữu theo xu hướng đại chúng hóa sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho ngành thông tin di động nói chung. Lại vẫn trong vai trò của một “người dẫn đường”, MobiFone tiếp tục là lựa chọn số 1 của viễn thông Việt Nam trên con đường cổ phần hóa. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết: "Mô hình công ty cổ phần sẽ là mô hình tối ưu nhất cho sự phát triển của các công ty và MobiFone cũng không phải là ngoại lệ.
Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang rất tích cực chuẩn bị cho tiến trình cổ phần hóa để MobiFone có thể chuyển đổi nhanh hơn nữa trong cách thức quản lý, kinh doanh cũng như tạo thêm động lực mạnh mẽ cho người lao động trong công ty". MobiFone đã tiến hành lựa chọn nhà tư vấn nước ngoài và dự kiến sẽ tiến hành IPO trong năm 2008.
Bên cạnh MobiFone, Vinaphone cũng là đích đến tiếp theo của quán trình cổ phần hóa. Nhưng các công việc chuẩn bị cho tiến trình này của Vinaphone vẫn chưa thực sự được khởi động. Dường như VNPT vẫn đang chờ những “tín hiệu xanh” từ quá trình cổ phần hóa của MobiFone để áp dụng cho “đứa con thứ hai” của mình.
Về phía Viettel, mặc dù đã được phép triển khai kế hoạch cổ phần hóa, nhưng mạng di động thuộc “top đại gia” này vẫn chưa có phát ngôn gì về thời điểm thực hiện cổ phần hóa. Vẫn đang miệt mài với việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, mạng viễn thông Quân đội hẳn sẽ còn chưa có ý định coi cổ phần hóa là mục tiêu hàng đầu của mình trong một vài năm tới nữa. Xem chừng, câu chuyện chứng khoán nóng hổi vẫn chỉ xoay quanh mạng MobiFone.
Như vậy, tính đến nay, chặng đường 15 năm thông tin di động Việt Nam đã khép lại với mức tăng trưởng và cả những con số bất ngờ. Bước sang tuổi thứ 16, một tuổi mới nhưng cũng hứa hẹn nhiều thách thức to lớn, viễn thông di động Việt Nam hẳn phải có những bước đi dài và vững chắc của một nền viễn thông đã trưởng thành và năng động hơn.